Top

Chặn đầu cơ, thổi giá bất động sản: Minh bạch giá trị đất đai

Cập nhật 16/03/2021 11:06

Những năm gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) chứng kiến nhiều đợt sốt đất, không chỉ tại dự án ở các TP lớn, mà còn ở các đô thị vệ tinh như Đồng Nai, Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc... và gần đây nhất là tại Hớn Quản (Bình Phước).

Cò đất ồ ạt lên Bình Phước sau thông tin dự kiến xây dựng sân bay. Ảnh: Tiểu Thúy

Tình trạng này dấy lên nhiều lo ngại, thị trường BĐS có thể quay lại kịch bản 10 năm trước nếu không có biện pháp ngăn chặn, điều tiết đầu cơ, thổi giá làm biến dạng thị trường.

Giá đất tăng từng ngày

Năm 2007, cơn sốt đất trên trên thị trường BĐS hình thành bởi sự liều lĩnh của giới đầu tư và công cụ đòn bẩy tài chính được người trong giới sử dụng rất chuyên nghiệp. Nhà nhà, người người kinh doanh đất là những nét vẽ tạo nên bức tranh sốt đất thời điểm đó. 10 năm sau, năm 2018, tình trạng sốt ảo, làm giá, đẩy giá đất lên cao thu lợi bất chính xảy ra tại một số địa phương dự kiến thành lập đặc khu như Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang).

Ngay thời điểm đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp chấn chỉnh thị trường. Đồng thời, yêu cầu các tỉnh nghiêm cấm cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản sang đất ở. Đến cuối năm 2018, tình trạng thổi giá đất tại các khu vực dự kiến trở thành đặc khu đã tạm thời lắng lại.

Tuy nhiên, giữa năm 2019, một số cơn sốt đất tại các khu vực nghỉ dưỡng như Bình Thuận, Đà Nẵng lại đột ngột bị giới đầu cơ đẩy giá. Sang đầu năm 2020, thị trường tiếp tục tái hiện một số nhóm đầu cơ lợi dụng thông tin về việc đầu tư phát triển dự án của các tập đoàn để đẩy giá, tạo sự hỗn loạn trong thị trường nhằm mục đích trục lợi. Cụ thể, thời điểm tháng 2/2020, cơn sốt đất chưa từng có làm dậy sóng huyện ngoại thành Châu Đức của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, cơn sốt tới nhanh nhưng đi còn nhanh hơn. Trong những người chen nhau mua đất Bình Ba chắc chắn không ít người ôm đất cũng như ôm nợ, khi thị trường BĐS đang “đứng hình” và dự án lớn thì chưa có bất cứ thông tin nào.

Tưởng rằng đây sẽ là bài học sâu sắc cho các nhà đầu tư, nhưng không, một năm sau (tháng 2/2021), cơn sốt đất tái hiện nguyên vẹn tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Nguyên nhân được cho là do một bộ phận người dân truyền tai nhau về việc sắp quy hoạch đất tại địa phương để xây sân bay Téc-Ních với diện tích lên tới 500ha, sau khi đoàn khảo sát của tỉnh đến để khảo sát vị trí để xin chủ trương. Chỉ sau tầm 10 ngày, hiện tượng sốt đất đã nguội, dòng người tìm đến cũng không còn, bong bóng đã vỡ, hàng trăm nhà đầu tư vỡ mộng.

Công khai thông tin, “dẹp loạn” cò đất

Khẳng định hiện tượng đầu cơ, thổi giá đang là lực cản lớn của một thị trường BĐS lành mạnh, song chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, dù cò đất đã dùng thủ thuật để đẩy giá nhưng việc đó không đủ sức để khiến thị trường xảy ra nguy cơ bong bóng BĐS. “Không ai có thể biết được giá chính xác của BĐS. Ví dụ, hai mảnh đất ở cạnh nhau đã có giá khác nhau, miếng hướng này hướng kia cũng giá khác nhau. Thực tế, chuyện người môi giới nói giá cao hơn chẳng có luật nào cấm” - TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.

Theo TS Đinh Thế Hiển, công tác tuyên truyền, phân tích cho người dân biết giá đất như thế nào là ảo rất quan trọng. Nó giúp người dân có đủ kiến thức để tự đánh giá mảnh đất có đúng giá trị với số tiền họ bỏ ra hay không.

Dưới góc độ pháp luật, luật sư Lê Ngô Trung - Giám đốc Công ty Luật Trung Lê và Cộng sự cũng nhận định, việc nâng giá của cò đất bản chất là không vi phạm pháp luật. Bởi lẽ, họ nâng giá mà người dân không mua thì thôi. Chuyện này là thuận mua vừa bán, còn nếu cơ quan chức năng chứng minh được hành vi này lừa đảo người khác mới quy thành tội phạm.“Về phương diện quản lý, pháp luật cần phải quy định rõ giá bán các sản phẩm BĐS, việc mua bán phải công khai, minh bạch. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ những hậu quả nghiêm trọng của việc sốt đất thì chắc chắn sẽ không có cò đất, hay người dân nào dám đầu cơ” - luật sư Lê Ngô Trung nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cũng tán thành việc xây dựng cơ chế minh bạch đánh giá giá trị đất đai, BĐS. Vấn nạn cò đất lộng hành đang để lại những hệ lụy nghiêm trọng, gây mất niềm tin, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người làm môi giới BĐS chân chính. Vì vậy, đã đến lúc chính quyền các địa phương cần có những giải pháp quản lý tốt hơn về thị trường BĐS, tránh các rủi ro cho khách hàng.

DiaOcOnline.vn – Theo KTĐT