Tổng diện tích mặt bằng bán lẻ của Tp.HCM tính đến đầu năm 2009 là 210.323 m2, với 17 trung tâm thương mại và trung tâm thương mại tổng hợp.
Trong năm 2009 này, tại Tp.HCM mới chỉ có duy nhất một tòa nhà là Sài Gòn Paragon (quận 7) đi vào hoạt động hồi tháng 3 vừa qua với 21.229 m2 mặt sàn. Tòa nhà này đã thu hút một lọat các thương hiệu lớn như Givenchuy, Jean Paul Gautier, Thierry Mugler, Giorgio Armani, Omega... đến thuê.
Trong năm nay, dự kiến sẽ có thêm các dự án như The Plemington và The Everich tại quận 11, KumhoAsiana (quận 1) hoàn thành vào cuối năm.
Thị trường mặt bằng bán lẻ tại Tp.HCM trong năm nay dự kiến sẽ có thêm khoảng 77.034 m2. Bước sang năm 2010, nguồn cung sẽ dồi dào hơn và có thể sẽ được bổ sung thêm khỏang 209.870 m2.
Năm 2011 có thể là cột mốc về thời điểm bùng nổ về nguồn cung mặt bằng cho thị trường bán lẻ với khỏang 730.107 m2 mới được đưa vào khai thác.
Năm 2012 sẽ tiếp tục có thêm khoảng 331.464 m2 sàn bán lẻ bởi hàng loạt các dự án có phần diện tích làm trung tâm thương mại khá lớn sẽ hòan thành như: Promennada The Canary (Bình Dương) giai đoạn I và II với khoảng 224.464 m2, cao ốc Bitexco (quận 1) có 5.000 m2, dự án Platinum Bình Chánh có 140.000 m2...
Cố gắng không giảm giá
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường bất động sản CBRE Việt Nam, trong quý 1/2009, giá thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại trong khu vực trung tâm thành phố trung bình ở mức 85 USD/tháng/m2; giá cao nhất đối với những vị trí có mặt tiền đẹp như tầng trệt của các khu trung tâm lên tới 250 USD/tháng/m2; trong khi giá thuê ở các quận ngoài khu vực trung tâm trung bình chỉ khoảng 40 USD/tháng/m2.
Giá thuê mặt bằng kinh doanh tại các trung tâm thương mại tăng mạnh mẽ kể từ đầu năm 2007 cho tới nay. So với các thành phố khác trong khu vực, mức giá thuê mặt bằng bán lẻ trung bình của Tp.HCM hiện đang cao hơn so với giá thuê tại Bangkok (Thái Lan), Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia) nhưng lại thấp hơn nếu so sánh với Đài Bắc, Bắc Kinh...
Theo các chuyên gia, giá thuê mặt bằng nhìn chung có xu hướng điều chỉnh giảm nhẹ so với thời gian trước. Các ông chủ các khu trung tâm thương mại đã có nhiều nhượng bộ với khách hàng với nhiều điều khỏan nhằm thu hút khách thuê và xây dựng thương hiệu như xem xét lại giá thuê, hợp đồng thuê dài hơn, miễn phí bảng hiệu quảng cáo...
Các trung tâm thương mại mới và ở các quận vùng ven thì áp dụng chế độ ưu đãi cho khách thuê càng nhiều hơn. Khảo sát của CBRE Việt Nam cho thấy, tùy theo khoảng cách tính từ khu trung tâm mà điều kiện thay đổi, từ 5 điều kiện ưu đãi của dành cho khách hàng của các trung tâm trong trung tâm lên đến 16 ưu đãi của các khu trung tâm thương mại ở xa hơn.
Tuy vậy, quan điểm không giảm giá cho thuê vẫn được bảo tồn, đặc biệt trong những tòa nhà có vị trí đắc địa và có công suất thuê cao. Xu hướng trong tương lai, các trung tâm mua sắm sẽ giãn dần ra các khu vực ngọai thành, do vậy, những khu trung tâm thương mại mới sẽ ngày càng có quy mô rộng lớn.
Tự nâng cấp để củng cố thương hiệu
Hiện nay, các trung tâm thương mại cũng đã bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu. Đã có một số trung tâm thương mại tại Tp.HCM tiến hành nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trang trí lại hình thức cả về bên trong khu mua sắm và “dáng vóc” bên ngoài.
Mới đây, Saigon Centre đã công bố hoàn thành giai đoạn nâng cấp phần mặt bằng trung tâm thương mại.
Ông Linson Lim, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Công ty Keppel Land cho biết: công ty đã thay đổi tòan bộ nội thất và thiết kế lại khu vực trung tâm thương mại bán lẻ tại tầng 1 của tòa nhà.
Nhờ vậy, Saigon Centre đã thu hút thêm một số thương hiệu thời trang trong và ngòai nước tham gia kinh doanh phủ kín 100% mặt bằng khu trung tâm bán lẻ với mặt hàng về ẩm thực chiếm 13%, 43% khách thuê là về lĩnh vực thời trang dành cho người lớn, đồ nội thất và cửa hàng dịch vụ chiếm 44% trong danh sách khách thuê.
Từ ngày 18/5, Diamond Plaza cũng thông báo tạm ngừng họat động để tiến hành sửa chữa nâng cấp lại cơ sở trung tâm thương mại. So với năm trước, hiện tại trên những cung đường được mệnh danh là khu vực mua sắm như Đồng Khởi tại khu trung tâm thành phố đã xuất hiện thêm nhiều nhãn hiệu mới.
Xu hướng làm mới mình của các trung tâm thương mại cũng là sự chuẩn bị đón đầu sự cạnh tranh trên thị trường cung ứng mặt bằng thương mại bán lẻ trong tương lai gần.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy