Trong 3 tháng qua, TP HCM ghi nhận hơn 1.700 căn hộ được chào bán, tăng 45,8% so với quý trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ, trong đó nguồn cung căn hộ bình dân chiếm tỷ lệ cao nhất, theo khảo sát của CBRE.
Trong số 1.726 căn hộ được tung ra thị trường trong quý III/2013, phân khúc bình dân chiếm 72,4%, căn hộ cao cấp đạt 21,1%, nhà trung cấp chỉ có 6,6% và không có dự án mới nào chào bán ở phân khúc hạng sang.
Cũng theo nghiên cứu của đơn vị tư vấn này, giá căn hộ cũng tiếp tục được điều chỉnh trên thị trường thứ cấp, mức giảm trung bình 2-5% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường căn hộ cũng đang có nhiều diễn biến linh hoạt hơn với khủng hoảng.
Cụ thể là khoảng cách giữa phân khúc cao cấp và trung cấp được thu hẹp đáng kể. Mức giá phân khúc cao cấp tiến gần hơn đến sự mong đợi của người mua, 1.300-1.600 USD mỗi m2 kèm theo nhiều ưu đãi, hỗ trợ khác. Các giao dịch thành công cũng rơi vào phân khúc bình dân và cao cấp có thời gian thanh toán dài hơn.
Một dự án vừa được tái khởi động và chào bán vào cuối quý III/2013. Ảnh: V.L |
Tổng giám đốc điều hành Công ty CBRE (Việt Nam), Marc Townsend nhận xét, số lượng căn hộ chào bán trên thị trường tăng lên đột biến cho thấy niềm tin của chủ đầu tư đã phần nào quay trở lại. Sự nỗ lực điều chỉnh sản phẩm để có giá bán phù hợp hơn đang dần được thị trường chấp nhận. Ông Marc cũng cho rằng trong thời gian tới dự kiến nguồn cung căn hộ sẽ tiếp tục tăng lên và thị trường bắt đầu le lói tín hiệu tích cực cho sự phục hồi.
Trao đổi với PV, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa phân tích: "Nguồn cung tăng đột biến trong 3 tháng qua có nhiều nguyên nhân. Trong số đó có niềm tin của chủ đầu tư và sự hồi sinh của một số dự án đình trệ lâu ngày".
Theo ông Nghĩa, do nhiều chủ đầu tư tin rằng giá căn hộ bước vào vùng đáy, khó có thể giảm thêm hoặc chỉ bị điều chỉnh không đáng kể nên họ tự tin chào bán sản phẩm. Cũng có không ít trường hợp dự án "sống lại" nhờ liên doanh liên kết nên lực đẩy hàng cũng mạnh hơn.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng không loại trừ trường hợp sức chịu đựng của doanh nghiệp đã vượt quá giới hạn, chủ đầu tư buộc phải xả hàng tồn để thu về tiền mặt. "Dù xét ở góc độ nào đi nữa, nguồn cung tăng đột biến trong giai đoạn này chưa phải là tín hiệu phục hồi. Thậm chí, đây là bước khởi đầu của cuộc đua cạnh tranh về giá. Thị trường vẫn còn khó khăn và giai đoạn này chưa kết thúc", ông nói.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress