Top

Lúng túng sàn giao dịch nhà đất

Cập nhật 10/01/2010 09:28

Bộ Xây dựng nên thành lập trung tâm hỗ trợ thông tin về các dự án nhà đất. Nhiều sản phẩm nhà đất mua theo hợp đồng góp vốn, mà mua bán kiểu này thì không thể giao dịch qua sàn.

“Vẫn còn nhiều sàn giao dịch lập ra rồi để đó, hoặc lập để đối phó với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản”. Đây là nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, tại hội nghị tổng kết mạng các sàn giao dịch bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 9-1.

Lập sàn cho… có tụ

Phát biểu tại hội nghị, ông Hà cho biết hết năm 2009 cả nước có khoảng 20.000 giao dịch bất động sản qua sàn. Ông nhận xét ngành bất động sản là mũi nhọn của nền kinh tế mà có số lượng giao dịch như vậy là quá thấp. Tuy nhiên, thống kê về số lượng giao dịch nêu trên chưa phải là con số thật vì có nhiều sàn đã không báo cáo hoạt động.

“Cục Quản lý nhà đã gửi công văn cho 374 sàn giao dịch trong cả nước nhưng chỉ có phân nửa các sàn có công văn gửi thông tin về. Có sàn nói thẳng mới thành lập, lập ra để đấy chứ chưa có hoạt động kinh doanh. Ngay trong việc này Cục rất muốn biết chi tiết giá trị từng giao dịch, tuy nhiên mỗi sàn lại nêu cái khó riêng và xin không báo cáo” - ông Hà thông tin.

Tuy số lượng sàn lập ra và giao dịch còn hạn chế như vậy nhưng báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản vẫn đánh giá bước đầu việc buộc giao dịch nhà đất qua sàn như vậy đã tạo tính minh bạch cho thị trường bất động sản.

Còn vướng quy định

Liên quan đến hoạt động sàn, nhiều doanh nghiệp phản ánh hiện không thể cấp giấy chứng nhận đã giao dịch qua sàn cho các sản phẩm bất động sản. Lý do nhiều sàn giao dịch còn thiếu thông tin hoặc còn vướng do các quy định của pháp luật lấn cấn.

“Khách hàng đến sàn chúng tôi nhờ cấp giấy xác nhận đã giao dịch qua sàn một sản phẩm thuộc dự án X nhưng chúng tôi không dám. Đơn giản vì chúng tôi không biết dự án đó là thế nào, quy mô, tổng vốn đầu tư, pháp lý ra sao” - ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bất động sản Viên Nam, cho biết.

Từ việc này ông Hoàng đề xuất Bộ Xây dựng nên thành lập ngay một trung tâm để hỗ trợ doanh nghiệp thông tin về các dự án nhà đất. “Lập trung tâm này nhà nước vừa phát huy vai trò quản lý vì nắm được chi tiết các dự án bất động sản, vừa thu phí khi cung cấp thông tin cho doanh nghiệp”.

Ông Phùng Văn Năng, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Nam Việt, phản ánh hiện nhiều sản phẩm nhà đất trên thị trường mua theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng liên kết với các chủ đầu tư. Mà mua bán kiểu này thì không thể giao dịch qua sàn.

“Quy định pháp luật buộc nhà đất mua bán qua sàn phải là sản phẩm hoàn chỉnh. Nghĩa là căn hộ thì phải có sổ hồng nhưng hiện nhiều sản phẩm căn hộ mua dưới hình thức góp vốn nên không đủ điều kiện để giao dịch” - ông Năng kiến nghị.
 

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản:

Sẽ gỡ vướng cơ chế

Sắp tới sẽ có sự thay đổi toàn diện về mạng các sàn giao dịch bất động sản Việt Nam. Cụ thể sẽ thay đổi từ giao diện đến việc tích hợp thông tin... Mục đích là hỗ trợ tích cực cho các sàn thành viên. Còn về vướng mắc cơ chế chính sách khiến hàng hóa nhà đất mua theo hình thức góp vốn, liên doanh khi giao dịch qua sàn ách tắc, Bộ Xây dựng đã bàn việc này với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ.

Sắp tới sẽ có một thông tư liên tịch giữa các cơ quan Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường... để công nhận tính hợp pháp về các giao dịch mua bán của sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai. Khi có thông tư này thì việc ách tắc trong khâu mua bán bất động sản qua sàn dưới hình thức hợp đồng góp vốn... sẽ được thông thoáng.

Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ bất động sản Đất Xanh:

Nên đánh giá sàn tốt, sàn xấu

Muốn kênh bất động sản minh bạch thì trước hết các sàn giao dịch phải minh bạch. Trước mắt, mạng các sàn giao dịch bất động sản Việt Nam phải thay đổi, phải nâng cấp và nâng chất toàn diện. Mạng sàn cần phải xây dựng các cơ chế, tiêu chuẩn cụ thể như sàn thành viên hoạt động như thế nào thì mới xét vào chứ không nên “lùa” vào mạng sàn một rổ sàn thành viên như hiện nay.

Ngoài ra, hằng năm mạng sàn cần phải công bố sàn nào tốt, sàn nào xấu để doanh nghiệp, nhà đầu tư biết, thậm chí loại trừ những sàn không có hoạt động ra chứ không nên đánh đồng sàn nào cũng như sàn nào như hiện nay.

Ông Phan Thành Mai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sàn giao dịch bất động sản Việt Nam:

Siết lại chứng chỉ môi giới

Thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng lớn bởi lực lượng nhân viên môi giới nhà đất. Hiện nay cơ quan quản lý đang cấp chứng chỉ hành nghề ồ ạt và xu hướng này đang gây nhiều lo ngại. Mới một năm mà cấp chứng chỉ hành nghề cho 13.000 nhân viên môi giới là quá nhiều. Cơ quan quản lý cần siết ngay lại việc cấp chứng chỉ hành nghề này. Siết ở đây là cần cấp chứng chỉ có thời hạn để sau đó một thời gian là phải thi đổi lại... Mục đích việc làm này nhằm nâng cao đạo đức, trách nhiệm người hành nghề môi giới.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP