Là hai thành viên Chính phủ cuối cùng đăng đàn thảo luận tại Nghị trường, sáng nay, Bộ trưởng Bộ TNMT Phạm Khôi Nguyên và Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã giải trình về các vấn đề "sửa đổi Luật đất đai" và "đào tạo theo nhu cầu xã hội".
Tổng hợp 70 ý kiến thảo luận trong hai ngày qua, Bộ trưởng Bộ TNMT Phạm Khôi Nguyên cho biết, 50% trong số đó đã đề cập đến ba vấn đề liên quan quản lý Nhà nước về đất đai và môi trường. Đó là, quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Dẫn ra con số, năm 2007, số tiền từ thu hồi đất nộp ngân sách Nhà nước là 16 ngàn tỷ đồng, góp vào chỉ tiêu tăng trưởng 8,5%, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định "việc thu hồi đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao".
Đồng thời, trong quá trình thu hồi đất đã hình thành 148 khu công nghiệp, hơn 200 cụm công nghiệp với hơn 250 ngàn dự án, thu hút hơn 20 tỷ đô la và giải quyết cho gần 1 triệu lao động trực tiếp và hơn 1 triệu lao động gián tiếp.
Chỉ ra năm vấn đề còn tồn tại (mà chủ yếu xuất phát từ chính sách) trong quá trình thu hồi, đền bù gây ra bức xúc cho dân, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, việc ban hành Nghị định 84 (quy định lại tất cả các thủ tục, giấy tờ, cấp giấy chứng nhận, quy trình) và mới nhất là Nghị định 123 (quy định bổ sung về giá đất) mới đây "đã quét hết những tồn tại lâu nay".
Chẳng hạn, sở dĩ lâu nay khó thống nhất về tính toán giá cả là vướng ở khâu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bởi lẽ, giấy tờ chứng nhận đất đai của dân vốn "nhập nhằng". Nghị định 123 cũng bổ sung thêm 2 cách tính giá đất mới.
Vấn đề giải quyết việc làm hoặc bố trí tái định cư cho dân có đất bị thu hồi, sắp tới cũng sẽ được xử lý rốt ráo, ông Nguyên khẳng định. Theo đó, những hộ nghèo, bị thu hồi đất, sẽ được đền bù để vượt nghèo, dân bị thu hồi quá 30% đất nông nghiệp, mà địa phương không có đất nông nghiệp hỗ trợ thì sẽ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng.
Đặc biệt, tất cả các quy trình từ thu hồi đất đến tái định cư đều được quy định rõ và công khai hóa cho dân cùng biết. Nếu trước đây, thường thu hồi đất xong mới xây khu tái định cư, thậm chí sau 4, 5 năm mới xây, thì nay, Bộ trưởng Nguyên cho biết, phải làm các khu định cư trước khi thu hồi đất.
"Đất đai ở VN có lịch sử lâu dài, phức tạp, không thể sửa đổi, bổ xung trong chốc lát", Bộ trưởng thừa nhận. Nhưng trước những cảnh báo về việc cần thiết phải sửa đổi Luật đất đai để xử lý các vấn đề quy hoạch, tài chính đất và vướng mắc từ địa phương, Bộ trưởng cho biết, năm 2008 sẽ tiến hành sửa đổi luật đất đai. Dự kiến 2009, tập trung sửa những vấn đề bức xúc nhất để đến năm 2011 sẽ ban hành một bộ luật đất đai đầy đủ và hoàn chỉnh nhất.
Ngày 6/11 tới, QH sẽ dành hẳn một ngày để nghe và thảo luận về báo cáo giám sát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo Bộ Tài Nguyên Môi Trường