Cần cho hiệp hội nghề nghiệp nhà thầu tham gia xét thầu các dự án có vốn ngân sách để chống tình trạng thông thầu.
“Tiêu cực trong đấu thầu rơi vào trường hợp sử dụng tiền nhà nước, nghĩa là chủ đầu tư là cơ quan nhà nước. Người ta tìm mọi cách để lôi tiền của nhà nước bỏ vào túi mình”. Ông Vũ Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, chỉ ra mặt trái của hoạt động đấu thầu khi trả lời Pháp Luật TP.HCM bên lề hội thảo về minh bạch hóa trong xây dựng do Bộ Xây dựng tổ chức hôm qua (28-5).
Theo ông Vũ Khoa, thực tế cho thấy có nhiều cuộc đấu thầu gian lận với những thủ đoạn rất lắt léo, tinh vi. Tiêu cực trong đấu thầu nhiều nhất là có sự móc ngoặc giữa chủ đầu tư là cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng vốn với nhà thầu. Khi đó, chủ đầu tư bao giờ cũng có phần “lại quả” từ phía thắng thầu. Hoặc chủ đầu tư giúp nhà thầu có quan hệ với mình bằng cách hạn chế bán hồ sơ đấu thầu, chỉ trong một thời gian ngắn đã hết hồ sơ. Không có hồ sơ, nhiều nhà thầu khác không thể tham gia, như vậy tính cạnh tranh giảm, bên có quan hệ với chủ đầu tư dễ thắng thầu với giá cao.
Hiệp hội các nhà thầu cũng nhận được điện thoại từ các đơn vị xây dựng ở địa phương. Họ phản ánh đã tham gia đấu thầu với giá cao nhất nhưng chủ đầu tư (đơn vị chấm thầu) lại gạt họ ra với lý do có một đơn vị khác bỏ thầu thấp hơn nhưng được phong anh hùng, có uy tín. Tuy nhiên, trong tiêu chí lựa chọn nhà thầu không hề có tiêu chí “anh hùng”này.
Việc thông thầu cũng xảy ra thường xuyên. Có nhiều cuộc đấu thầu, các nhà thầu dàn xếp để cho một anh thắng bằng cách nhiều nhà thầu trả giá rất cao nhưng hồ sơ đấu thầu lại rất tồi. Chỉ có một nhà thầu trả giá thấp nhất với hồ sơ tốt hơn. Như vậy nhà thầu này sẽ thắng. Sau đó, bên thắng thầu sẽ có “lại quả” cho các nhà thầu cố tình không trúng thầu.
“Luật cấm hành vi gian lận trong đấu thầu, người vi phạm sẽ bị phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, tôi chưa thấy chủ đầu tư nào giao thầu không đúng mà bị xử lý. Với hành vi thông thầu, tôi cũng chưa thấy nhà thầu nào bị phạt. Có quy định nhà thầu vi phạm sẽ được đưa lên trang web nhưng tôi chưa thấy nhà thầu nào vi phạm bị đưa lên trang web của Bộ Kế hoạch và Đầu tư” - ông Vũ Khoa nói.
Hiện hội nghề nghiệp của các nhà thầu đang bị đứng ngoài trong hoạt động đấu thầu các dự án vốn ngân sách. Ông Vũ Khoa kiến nghị cần cho Hiệp hội Nhà thầu xây dựng tham gia vào hoạt động xét thầu, qua đó có thể biết được trường hợp A, B... có thông thầu hay không.
Quá trình giải quyết công việc của dân: Nhiều khâu chưa công khai, minh bạch
Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp quan hệ quốc tế (Văn phòng chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng) Lê Văn Lân cho rằng các nội dung giải quyết công việc liên quan đến dân được các cơ quan chức năng công khai, minh bạch hiện còn ít. Chủ yếu mới công khai kết quả, những vấn đề đã được quyết định chứ chưa công khai, minh bạch quá trình xem xét, giải quyết sự việc hay quá trình hình thành các quyết định đó. “Để ngăn ngừa tham nhũng thì công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị là biện pháp quan trọng hàng đầu” - ông Lân nói.
Theo ông Lân, công khai, minh bạch tạo điều kiện để người dân và xã hội giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, đòi hỏi cơ quan nhà nước phải thực hiện đúng đắn các quy định của pháp luật. Qua đó, mọi hành vi sách nhiễu, lợi dụng chức trách vì mục đích tư lợi dễ bị phát hiện, xử lý hơn.