Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 mở cửa khá rộng cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Liệu phân khúc khách hàng này có tạo nên sức nóng mới cho thị trường BĐS?
Còn nhiều rào cản
Theo Cục Đăng ký và Thống kê (thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên - Môi trường) cả nước có 427 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam, trong đó TPHCM có 342 trường hợp. Kết quả này rất thấp khi cả nước có hơn 80.000 người nước ngoài sinh sống và làm việc. Những rào cản hiện nay chỉ làm hạn chế cầu trong khi thị trường BĐS đang tồn kho lớn.
Bên cạnh đó, nhiều người nước ngoài có nhu cầu nhưng chưa mua nhà ở Việt Nam được vì còn nhiều rào cản pháp lý, giá nhà đất quá cao so với các nước xung quanh. Một đại diện của Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng cho biết tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7, TPHCM), số lượng người nước ngoài, Việt kiều có nhu cầu mua nhà khá nhiều. Tuy nhiên, chỉ những trường hợp là pháp nhân, người nước ngoài lập gia đình với người Việt Nam mới được mua nhà.
Bà Helther đến từ Hoa Kỳ - người nước ngoài đầu tiên được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà tại Phú Mỹ Hưng - cho biết: “Tôi làm ở Việt Nam đã 16 năm. Tôi không thích ở thuê và muốn được sở hữu một căn nhà ở đây. Tôi đã tìm hiểu nhiều về quy định dành cho người nước ngoài khi mua nhà tại Việt Nam, phức tạp quá, đã có lúc tôi muốn bỏ cuộc. Nếu ở 1 nước khác tại châu Âu, tôi chỉ mất khoảng 2 tuần để mua 1 căn nhà, trong khi ở Việt Nam phải hơn 9 tháng”.
Năm 2009, Quốc hội có Nghị quyết 19 về việc thí điểm cho tổ chức cá nhân nước ngoài mua nhà, sở hữu nhà tại Việt Nam trong thời hạn 5 năm. Năm sau, Chính phủ có Nghị định 51 trong đó cho phép cá nhân người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam được sở hữu 1 căn hộ chung cư tại các dự án phát triển nhà ở thương mại trong thời gian tối đa 50 năm. Tuy nhiên thời gian qua vẫn còn nhiều vướng mắc nên số người được giải quyết rất hạn chế.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, tại Singapore, người nước ngoài được mua nhà thương mại không hạn chế, chỉ không được mua nhà xã hội. Người nước ngoài mua nhà bị đánh thuế hàng năm tùy theo giá trị căn nhà. Nhờ đó, thị trường BĐS càng phát triển và nhà nước thu được nhiều thuế. Hồng Công cũng có chính sách tương tự. Tại Campuchia, người nước ngoài cũng được phép mua những căn hộ từ tầng 2 trở lên, không giới hạn số lượng.
Tạo hưng phấn cho thị trường
Điều 159 Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm 3 nhóm: Thứ nhất, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan; thứ hai, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (gọi chung là tổ chức nước ngoài); thứ ba, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Điều 159 quy định thêm về tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan; mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ hoặc xây dựng nhà ở trên diện tích đất ở được phép phân lô trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ; tổ chức, cá nhân có thể mua 30% số lượng căn hộ trong 1 tòa nhà hay 250 căn nhà trong 1 đơn vị hành chính cấp phường…
Những quy định trên được xem là cánh cửa rộng mở cho người nước ngoài. Đây cũng là điều kỳ vọng của các doanh nghiệp đầu tư BĐS về một thị trường nhiều khởi sắc trong thời gian tới. Nhiều chuyên gia BĐS nhận định ngoài việc cho người nước ngoài mua nhà để ở, cũng cần xem xét cho họ được bán hoặc cho thuê lại nhà bởi điều này hoàn toàn hợp lý. Quy định này giúp kích thích nhu cầu mua các BĐS cao cấp, một trong những phân khúc tồn kho lớn nhất hiện nay.
Thị trường căn hộ luôn được khách nước ngoài quan tâm trong thời gian qua.
|