Đó là kiến nghị đáng chú ý được nêu ra tại hội nghị góp ý dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) do Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức ngày 17.5.
TS Lưu Quốc Thái, Khoa Luật thương mại, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng với quyền được hưởng và nghĩa vụ phải thực hiện theo quy định hiện hành, người được giao đất (có thu tiền sử dụng đất) và người thuê đất trả tiền thuê một lần không có sự khác biệt về địa vị pháp lý. Do vậy, việc áp dụng hình thức thuê đất trả tiền thuê một lần hoàn toàn không có ý nghĩa thực tiễn, thậm chí có thể gây ngộ nhận về sự phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, việc chỉ áp dụng hình thức thuê đất đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư tại Việt Nam dưới hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cũng cần nên xem xét lại.
Theo TS Thái, việc áp dụng hình thức giao đất (có thu tiền sử dụng đất) cho loại chủ thể này hoàn toàn không ảnh hưởng xấu đến chế độ sở hữu đất đai, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước. TS Thái đề nghị áp dụng hình thức giao đất (có thu tiền sử dụng đất) cho các chủ thể gồm: tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh. Những tổ chức, cá nhân nước ngoài nếu đã thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam thì cần nên được áp dụng hình thức sử dụng đất thống nhất như đối với các doanh nghiệp trong nước (chỉnh sửa điều 55 dự thảo). TS Thái cũng đề nghị bãi bỏ hình thức thuê đất trả tiền thuê một lần, bởi sự không rõ ràng của nó (chỉnh sửa điều 56 dự thảo).
“Sự thay đổi này không chỉ thu hẹp khoảng cách về sự phân biệt đối xử trong quan hệ đất đai giữa các loại chủ thể sử dụng đất, làm giảm bớt sự rắc rối không cần thiết của pháp luật đất đai hiện nay, mà đồng thời còn có tác dụng tạo sự yên tâm hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”, TS Thái nhìn nhận.
Liên quan đến vấn đề đấu giá quyền sử dụng đất (từ điều 114 đến điều 116 dự thảo), TS Phạm Văn Võ, Trường ĐH Luật TP.HCM, đề nghị nên đưa trường hợp “giao đất ở cho cán bộ, công chức, viên chức chuyển nơi công tác theo quyết định điều động của cơ quan có thẩm quyền” ra khỏi những trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất; vì cán bộ, công chức khi điều động, luân chuyển công tác thường chỉ mang tính tạm thời và thuộc diện được thuê nhà ở công vụ. Do đó, nếu đưa trường hợp này vào diện không đấu giá rất dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng.