Top

Cải tạo chung cư cũ: Vẫn chưa hồi kết!

Cập nhật 17/05/2013 16:39

Từ năm 2005 đến nay, sau hơn 11 năm phát động kế hoạch cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội, đến nay, số chung cư cũ được triển khai cải tạo vẫn chỉ đếm trên “đầu ngón tay”. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là với hàng loạt văn bản, quyết định kèm theo nhiều chính sách ưu đãi cho cả chủ đầu tư lẫn người dân sống tại các chung cư, song trong ngần đấy thời gian, các cấp chính quyền lẫn cơ quan chuyên môn của Hà Nội dường như vẫn bế tắc trong việc cải tạo chung cư cũ bởi những xung đột lợi ích giữa các bên.

Việc cải tạo chung cư cũ vẫn bế tắc bởi xung đột lợi ích giữa các bên

Theo số liệu báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có koảng 1.155 nhà chung cư cao tầng, 10 khu nhà cũ có số tầng từ 1 đến 3 tầng và các nhà thuộc diện vắng chủ, cải tạo, tập trung tại các quận nội thành với tổng diện tích khoảng 5 triệu m2. Trong đó, cơ quan quản lý nhà đất của thành phố quản lý, ký hợp đồng cho các hộ gia đình thuê để ở với diện tích nhà ở khoảng 1,8 triệu m2. Còn các khu tập thể đơn lẻ, quy mô nhỏ và một số khu nhà do các cơ quan tự quản đang và sẽ phải bàn giao cho thành phố, nằm rải rác, xen kẽ trong các khu phố.

Trong câu chuyện cải tạo hàng loạt dự án chung cư cũ của TP, chúng ta có thể điển hình một số dự án cải tạo với tốc độ “rùa bò” như: dự án khu chung cư cũ Giảng Võ (quận Ba Đình), dự án khu chung cư cũ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), dự án khu chung cư C1 Thành Công…

Trước thực tế chậm trễ đó, mới đây trong phiên họp thường kỳ của UBND TP Hà Nội đã dành nhiều giờ đồng hồ để xem xét, cho ý kiến về một số biện pháp nhằm cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp trên địa bàn. Và một “ánh sáng cuối đường hầm” đã được lóe lên khi ông Nguyễn Thế Hùng- GĐ Sở Xây dựng cho biết, trong dự thảo tờ trình của TP về cải tạo chung cư cũ sẽ đưa ra nhiều giải pháp ưu đãi với người dân và chủ đầu tư nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ. Theo đó, người dân được cùng tham gia đầu tư theo phương thức góp vốn bằng chính quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất nếu dự án có hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, nếu người dân không có nhu cầu mua nhà tái định cư tại chỗ thì được ưu tiên mua nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp tại các dự án trên địa bàn thành phố. Trong trường hợp người dân bán căn hộ cũ thuộc quyền sở hữu của mình cho chủ đầu tư để chuyển đến nơi khác ở thì được miễn các loại thuế liên quan đến mua bán căn hộ cũng như thuế thu nhập cá nhân.

Thế nhưng, bao nhiêu phiên họp và bao nhiêu giải pháp khuyến khích đã được đề cập từ năm 2005 đến nay vẫn vậy. Và điều dư luận quan tâm là đến khi nào những dự án trong diện triển khai mới đi vào thực tế và bản thân các DN tham gia cải tạo sẽ được hưởng những gì khi họ bỏ công sức cho việc thực hiện cải tạo dự án. Bởi lẽ, theo chia sẻ của một đại diện DN bất động sản, việc tham gia cải tạo chung cư cũ vốn phải tuân thủ nhiều quy định ngặt nghèo của TP đã làm nản lòng nhiều DN. Do đó, khi mà người dân thiết tha được cải tạo thì các DN dường như lại “bỏ của chạy lấy người” - vị đại diện này nói. Những câu hỏi trên xem ra vẫn chưa có hồi kết ?

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN