Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, công tác triển khai thực hiện các dự án metro trên địa bàn đang được gấp rút triển khai nhằm đảm bảo đúng tiến độ.
Với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sau khi khởi công gói thầu số 2 (từ ga Ba Son đến ga Thủ Đức) vào tháng 8/2012, đến nay liên danh nhà thầu Sumitomo - Cienco 6 đã hoàn thành trên 80% công tác khảo sát địa chất, 100% công tác khảo sát địa hình, khảo sát thủy văn, hoàn thành thử tải cọc tại công trường Thảo Điền (quận 2) và quận Thủ Đức. Riêng gói thầu số 1 (đoạn đi ngầm dài 2,6 km từ nhà ga trung tâm chợ Bến Thành đến ga Ba Son) đang được chia thành 2 gói thầu 1a và 1b. Theo đó, gói thầu 1a (từ nhà ga Bến Thành đến Nhà hát Thành phố), liên danh tư vấn chung NJPT đang nghiên cứu thiết kế cùng với thiết kế nhà ga trung tâm Bến Thành và dự kiến sẽ triển khai mời thầu từ giữa năm 2013. Riêng gói thầu 1b (từ Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) hiện đã được mở thầu.
Liên danh nhà thầu Sumitomo - Cienco 6 đã tiến hành rào chắn dọc xa lộ Hà Nội để thi công đại trà phần nổi tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên (TP.HCM).
|
Tuyến đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên (tuyến metro số 1) có tổng chiều dài 19,7 km, trong đó có 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao với 14 ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao). Tổng mức đầu tư của dự án này hơn 2.490 triệu USD, trong đó có vốn vay ODA của JICA (Nhật Bản) chiếm 88,4%, còn lại là vốn đối ứng của thành phố (chiếm 11,6%). Trong khi đó tuyến metro số 2 (Thủ Thiêm-bến xe Tây Ninh) có chiều dài toàn tuyến 11,322 km (trong đó có 9,315 km đi ngầm, 0,232 km chuyển tiếp, 0,778 km đi trên cao và 0,997 km nối vào trạm trung chuyển Tham Lương) với 9 ga ngầm và 1 ga trên cao. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.374 triệu USD, trong đó có vốn vay từ ngân hàng ADB, ngân hàng KfW (Đức), ngân hàng EIB và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố. |
Trong khi đó, ở giai đoạn 1(đoạn Bến Thành - Tham Lương) của tuyến metro số 2 (Thủ Thiêm-bến xe Tây Ninh) hiện các nhà thầu cũng đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Theo báo cáo của Ban quản lý dự án, dọc tuyến sẽ có 504 hộ dân phải giải tỏa để nhường đất cho dự án. Hiện tại, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan đang điều chỉnh ranh mốc bồi thường, trình UBND TP xem xét quyết định để làm cơ sở cho các quận triển khai công tác này. Tại khu vực điểm trung chuyển Tham Lương (quận 12), mặc dù Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 12 đã tiến hành công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng từ năm 2008 nhưng do tính chất phức tạp nên đến nay chỉ mới bàn giao cho Ban quản lý đường sắt đô thị được khoảng 20/hơn 26 ha của dự án.
Theo Lê Khắc Huỳnh, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh vẫn đang đấu thầu các gói thầu của tuyến metro số 2, thực hiện rà phá bom mìn, lập kế hoạch thi công các gói thầu xây lắp và mua sắm các phần chính của dự án; đồng thời thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 (đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương - bến xe Tây Ninh). Với tiến độ này, tuyến metro số 2 sẽ về đích chậm hơn tuyến metro số 1 khoảng 1 năm, tức hoàn thành vào cuối năm 2018.
Ngoài 2 tuyến metro chính trên, hiện Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cũng đang xúc tiến và triển khai lập các dự án metro số 3a (Bến Thành - Tân Kiên), số 3b (ngã 6 Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước), số 4 (cầu Bến Cát - Nguyễn Văn Linh), số 5 (cầu Sài Gòn - bến xe Cần Giuộc mới), số 6 (Bà Quẹo - vòng xoay Phú Lâm), cùng 2 tuyến tàu điện một ray và dự án nhà ga trung tâm Bến Thành.