Cho rằng xây 17 nghìn căn nhà ở xã hội mang ý nghĩa giải quyết vấn đề an sinh xã hội về nhà ở nhiều hơn là kích cầu nhằm bình ổn và phát triển thị trường BĐS, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng cần xem xét kỹ lưỡng cơ chế triển khai để bảo đảm sự trợ giúp từ ngân sách nhà nước đến trực tiếp được người lao động thiếu chỗ ở.
Theo ông Võ, cần có một cơ chế tách bạch giữa 3 khu vực: quản lý vốn phát triển nhà ở xã hội, xây dựng nhà ở xã hội và quản lý việc cung nhà ở xã hội tới tay người lao động. Tách riêng như vậy mới đưa được sự trợ giúp của Nhà nước thực sự tới tay người lao động.
Kích cầu nhà ở xã hội: Ai nên là chủ đầu tư?
Trước năm 2004, Nhà nước đã có chính sách giao đất không thu tiền sử dụng đất để thực hiện các dự án xây dựng kinh doanh nhà chung cư với mục tiêu trợ giúp cho người lao động dễ dàng mua được chỗ ở trong nhà chung cư. Trên thực tế giá nhà chung cư không hề giảm mà cứ leo thang hàng ngày. Người mua nhà chung cư không được hưởng ưu đãi này mà số tiền sử dụng đất được miễn luôn nằm trong lợi nhuận thuộc túi các doanh nghiệp. Luật Đất đai năm 2003 đã bãi bỏ cơ chế ưu đãi mang tính kích cầu đối với nhà chung cư như vậy.
Để thực hiện dự án kích cầu nhà ở xã hội hiện nay, cần có một cơ chế tách bạch giữa 3 khu vực: quản lý vốn phát triển nhà ở xã hội, xây dựng nhà ở xã hội và quản lý việc cung nhà ở xã hội tới tay người lao động. Tách riêng như vậy mới đưa được sự trợ giúp của Nhà nước thực sự tới tay người lao động.
Chủ đầu tư quản lý vốn phát triển nhà ở xã hội nên giao cho các ngân hàng hoặc quỹ phát triển nhà ở; các công ty xây dựng tham gia đấu thầu thực hiện xây dựng nhà ở xã hội và bàn giao nhà ở đã hoàn thành cho chủ đầu tư; các hợp tác xã nhà ở được hình thành để quản lý việc cung nhà cho đúng đối tượng theo quy định.
Đây là một cơ chế phù hợp để phát triển nhà ở xã hội mà nhiều nước đã áp dụng, không phải là cơ chế thị trường lấy lợi ích kinh doanh làm tiêu chí và cũng không phải là cơ chế "xin - cho" lấy ban phát ngân sách nhà nước làm tiêu chí. Sự cắt khúc quản lý như vậy tạo nên hiệu quả của sử dụng sự trợ giúp của Nhà nước trong cơ chế thị trường.
Không thể nhìn cắt đoạn mà "chiến đấu" cho lợi ích riêng mình
Dự án kích cầu nhà ở xã hội đã được Bộ Xây dựng trình lên Chính phủ. Người lao động thấp thỏm chờ và hi vọng, trong khi các cơ quan hữu trách vẫn đang tranh cãi ai sẽ là chủ đầu tư cho phù hợp. Một số tổ chức chính trị - xã hội và xã hội, một số ngân hàng, cả chính quyền một số địa phương và cả các DN xây dựng kinh doanh BĐS đều muốn làm chủ đầu tư.
Việc đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở xã hội bằng vốn của doanh nghiệp vẫn là điều bình thường, vẫn thực hiện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, với gói kích cầu nhà ở xã hội thì tiền được rót từ ngân sách nhà nước, cơ chế thực hiện không thể thuần túy theo thị trường. Mặt khác, cũng không thể áp dụng cơ chế thuần túy "xin - cho" theo kiểu bao cấp cũ.
Vốn trợ giúp từ ngân sách nhà nước cho phát triển nhà ở xã hội nên giao cho tổ chức ngân hàng phát triển nhà ở hoặc quỹ phát triển nhà ở làm chủ đầu tư, với điều kiện các ngân hàng hay quỹ này cũng phải xuất vốn đầu tư nhà ở xã hội cùng với vốn rót từ ngân sách nhà nước. Ví như tỷ lệ chia sẻ vốn là 50:50 thì quỹ nhà ở xã hội sẽ là 34 nghìn căn hộ giá thấp cho người lao động chứ không phải chỉ 17 nghìn căn tính trên vốn rót từ ngân sách nhà nước.
Ngân hàng hay quỹ phát triển nhà ở này sẽ giữ và quản vốn trợ giúp từ Nhà nước và vốn tự có của họ, đồng thời cũng giữ và quản tiền đóng trước của người lao động đăng ký sử dụng nhà ở xã hội. Nói cách khác, ngân hàng hay quỹ sẽ kiểm soát toàn bộ phần vốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trực tiếp kinh doanh phần vốn đó.
Các công ty xây dựng chỉ tham gia đấu thầu công trình xây dựng nhà ở xã hội, triển khai xây dựng khi thắng thầu trên cơ sở hợp đồng với chủ đầu tư vốn, mà không làm chủ việc kinh doanh nhà ở xã hội.
Các ngân hàng hay quỹ phát triển nhà ở chỉ quản lý vốn và sau đó quản lý chung về quỹ nhà đã nhận bàn giao, và cũng không làm chủ việc kinh doanh nhà ở xã hội. Chính quyền cũng không nên can thiệp trực tiếp vào quyết định cung nhà ở xã hội. Mọi quyết định hành chính về phân phối nhà ở xã hội sẽ dẫn đến ban phát của cơ chế "xin - cho", một điều kiện ắt dẫn đến tham nhũng.
Việc cung nhà ở xã hội cho người lao động do các hợp tác xã nhà ở thực hiện độc lập theo quy định của pháp luật và theo định giá của giá thành sản xuất. Các hợp tác xã này không phải là tổ chức kinh tế hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, không phải là đơn vị thành viên do các ngân hàng hoặc quỹ phát triển nhà ở thành lập nên.
Đây là một tổ chức hoạt động vì mục đích xã hội đáp ứng cho việc cung nhà ở xã hội, đại diện cho quyền lợi của những người lao động có nhu cầu về nhà ở xã hội. Hợp tác xã này giám sát việc sử dụng nhà ở xã hội, ai đã có nhà rồi mà vẫn đăng ký nhà ở xã hội, ai đang sử dụng 2 nhà ở xã hội, ai chưa có nhà ở v.v... Ai có nhà ở xã hội mà không ở hoặc đã có mà không còn nhu cầu ở thì hợp tác xã thu hồi lại, một người chỉ có thể có 1 nhà ở xã hội.
Mô hình không khó, miễn là muốn làm
Vấn đề giải quyết nhà ở cho người lao động luôn khó khăn đối với mọi đất nước nhưng cũng nhiều nước đã đưa ra các giải pháp hiệu quả. Thụy Điển và nhiều nước Bắc Âu đều đã áp dụng mô hình hợp tác xã nhà ở và đã rất thành công.
Khu nhà ở CN của Công ty TNHH sản xuất đồ gỗ Great
Veca (huyện Trảng Bom, Đồng Nai). Ảnh: Lao Động.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuần Việt Nam