Top

Khu đô thị mới thiếu trường học

Cập nhật 11/04/2010 08:45

Nguyên nhân: Chưa xác định rõ đơn vị chịu trách nhiệm xây trường hoặc chủ đầu tư “ngó lơ” vì không thu được lợi nhuận.

Hiện có khá nhiều khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội thiếu trường học, thậm chí một số khu không có trường học nào. Điều này khiến nhiều cư dân rất vất vả trong việc tìm trường học cho con.

Nhiều nơi “trắng” trường

Chị Nguyễn Ngọc Hà muốn mua căn hộ ở khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội). Chị có một con trai đang học mẫu giáo nhưng khu đô thị này hiện chưa có trường. Đến cả hai cơ sở của Trường Mầm non Xuân Đỉnh B, chị đều nhận được câu trả lời: Các lớp mẫu giáo đang rất đông nên trường không nhận nữa.

Không vào được trường công lập, chị Hà tìm đến một trường mầm non dân lập có học phí khá cao (1,5 triệu đồng/tháng). Nhưng thực tế, trường này chỉ ở trong một căn hộ chung cư, trẻ không có đủ không gian vui chơi. “Trường công lập hết chỗ, trường dân lập giá cao nhưng lại không tạo được cảm giác an tâm. Giờ tôi không biết tính sao!” - chị Hà lo lắng.

Thực trạng trên đang khá phổ biến tại nhiều khu đô thị mới ở Hà Nội, dù trong quy hoạch các khu đô thị đều có trường học. Theo báo cáo tháng 2-2010 của Thành ủy Hà Nội qua kiểm tra ở bảy khu đô thị mới trên địa bàn đã phát hiện hai khu “trắng” trường. Đó là khu đô thị mới Cổ Nhuế -Xuân Đỉnh và khu đô thị mới Đặng Xá. Ngoài ra, khu đô thị mới Sài Đồng mới chỉ có một trường học...


Trách nhiệm không rõ


Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện việc xây trường ở một số khu đô thị mới đang bị vướng do trong dự án không thể hiện rõ chủ đầu tư phải bỏ kinh phí xây trường hay địa phương lấy từ ngân sách. Điều này làm nhiều chủ đầu tư lúng túng, dẫn đến các dự án xây trường bị chậm triển khai. Đơn cử như tại khu đô thị mới Sài Đồng, chủ đầu tư không được giao nhiệm vụ xây trường nhưng cũng chưa xác định cụ thể đơn vị nào chịu trách nhiệm đầu tư.

Với những trường hợp này, bà Nguyễn Thị Bài, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, cho biết: Nếu chưa xác định được chủ đầu tư xây trường học là ai thì đất đó trước tiên phải dành để xây trường công lập nếu địa phương có nhu cầu. Khi đó, chính quyền sẽ làm chủ đầu tư và kinh phí lấy từ ngân sách. Trường hợp địa phương không có nhu cầu xây trường nữa, đất đó mới được dành xây trường dân lập.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nhấn mạnh thêm: “Ngay từ khâu thẩm định dự án cần xác định rõ đơn vị chịu trách nhiệm đầu tư công trình hạ tầng xã hội, trong đó có trường học. Về kinh phí cũng cần xác định rõ sẽ lấy từ ngân sách hay thực hiện xã hội hóa”.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân dẫn đến việc thiếu trường học ở các khu đô thị mới là chủ đầu tư lần lữa không chịu thực hiện dù quy hoạch đã xác định rõ. Bà Nguyễn Thị Bài đưa ra cách giải quyết: “Nếu chủ đầu tư có trách nhiệm xây trường học nhưng chậm thực hiện, TP sẽ ra một thời hạn cụ thể. Nếu quá thời hạn đó chủ đầu tư vẫn không xây trường, TP sẽ thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư khác làm việc này”.

Không có trường không có nghĩa là do quy hoạch thiếu

Khi lập quy hoạch cho dự án khu đô thị mới, một nguyên tắc bắt buộc là phải tính toán đến hạ tầng xã hội như công viên, trường học, bệnh viện, chợ, siêu thị vì quy mô của một khu đô thị là rất lớn. Hạ tầng xã hội nơi này được yêu cầu không chỉ phục vụ cho các cư dân sẽ sinh sống tại đây mà còn phải tính đến liên vùng để những khu vực khác “ xài ké” chứ không phải ngược lại. Chẳng hạn, trường mầm non, tiểu học hoặc siêu thị… thì phục vụ cho riêng khu vực đó nhưng khu đô thị Phú Mỹ Hưng còn có làng đại học dành cho người các nơi khác đến.

Chuyện quy hoạch khu đô thị mới có trường mầm non, mẫu giáo mà bị chuyển đổi thành chung cư, hoặc vẫn giữ quy hoạch đó nhưng không chịu làm, làm không tốt tôi nghĩ cũng có thể xảy ra nhưng đó là lại là một câu chuyện khác.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM

Vô lý!

Nói riêng về cách tính toán trường học cho một đồ án quy hoạch, người nào làm quy hoạch cũng biết lý thuyết căn bản là một đơn vị ở - hiểu nôm na là một quy mô dân số nhất định ở khu vực đó cần phải có trường tiểu học, vì trường tiểu học là hạt nhân của một đơn vị ở. Nếu dự án có nhiều hơn một đơn vị ở thì phải có trường THCS, THPT… Còn tính toán cụ thể thì đã có quy chuẩn quy định. Đơn vị lập quy hoạch phải thuyết trình được những vấn đề bằng những con số tính toán cụ thể thì đồ án mới được phê duyệt.

Một khu đô thị mới vốn bao gồm nhiều đơn vị ở, chắc chắn trong đồ án quy hoạch phải có các loại trường như trên, không có là điều vô lý. Tôi cho rằng một đồ án khu đô thị mới không có trường học là không thể thông qua. Tuy nhiên, quy hoạch cũng chỉ mới định hướng, khi triển khai trên thực tế vẫn có thể điều chỉnh cục bộ, có lẽ từ đó mới có chuyện để nói.

Ths-KTS Đoàn Ngọc Hiệp, Khoa Quy hoạch đô thị, Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM



DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP