Thanh Đa lại sốt ruột hơn bao giờ hết. Ông Tống Văn Độ, Tổ trưởng Tổ dân phố 20, Phó ban Mặt trận khu phố 2, phường 28 quận Bình Thạnh TPHCM - một người dân của gia đình đã có 3 đời sinh sống ở đây giải thích: “Không nóng ruột sao được khi nước ngập sinh muỗi mòng, đi lại khó khăn, cuộc sống khó khăn trăm bề”.
Khổ vì... quy hoạch treo
Phải ngược thời gian đến gần 20 năm mới hiểu được tại sao người dân Bình Quới-Thanh Đa bức xúc như vậy. Cách nay gần 20 năm, thành phố đã quyết định xây dựng khu vực Bình Quới-Thanh Đa thành một khu đô thị mới với các chức năng dịch vụ, du lịch… Đây là một quyết định đúng đắn bởi vị trí nằm bên bờ sông rất đẹp của mảnh đất này. Hơn nữa, đất Bình Quới-Thanh Đa làm nông không hiệu quả như các vùng đất khác của đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án này chẳng được triển khai trong khi đó một thời gian dài người dân ở đây đã bị hạn chế xây dựng, sửa chữa và bán nhà, đất để chờ… dự án.
Mãi cho đến thời gian gần đây, người dân mới được thực hiện các quyền cơ bản này. Thế nhưng, lại có một vấn đề mới nảy sinh, đó là vì đất được quy hoạch nên chính quyền địa phương cũng không dám đầu tư lớn cho việc xây, sửa hạ tầng kỹ thuật ở Bình Quới-Thanh Đa. Hậu quả là nhiều tuyến đường, bờ bao trong khu dân cư đã bị hư hỏng nặng mà không được sửa chữa. Một người dân cho biết, nhiều đoạn đường như từ Ngã ba Cây Me đến Cầu Cống… người dân đã phải góp tiền để sửa.
Điều đáng nói là người dân Bình Quới-Thanh Đa phần lớn đều không khá giả, mà tình trạng đường sá hư hỏng, bờ bao ngăn triều bị sạt lại ngày càng nhiều. Ông Tống Văn Độ cho biết, khoảng 80% người dân ở đây là nông dân, chủ yếu sống bằng hoa lợi từ đất. Đất lại không màu mỡ nên lợi nhuận thu được không cao. Đất vướng quy hoạch suốt một thời gian dài, khiến người dân không thể chuyển nhượng để có vốn chuyển đổi nghề nghiệp.
Cũng đã có một số nông dân “xé rào” chuyển quyền sử dụng đất cho người từ nơi khác đến, thế nhưng, vì chủ yếu “bán chui bằng giấy tay”, nên giá bán cũng không được cao. Cũng theo ông Độ, đã có nhiều người bán đất xong vài năm là trắng tay. Tình trạng đất như vậy nên người “dám” mua đất bằng giấy tay phần lớn là dân đầu cơ.
Họ mua đất xong là “để đấy”, vì thế nhiều đoạn bờ bao ngăn triều (đi qua đất của họ) hư hỏng không được sửa chữa. Cuộc sống người dân nghèo vốn đã khó lại càng thêm khó khi phải tự xoay xở sửa chữa, chắp vá lại một số điểm đường, đê bị xuống cấp, ông Độ nhận xét.
Triển khai quy hoạch nhanh lên!
Đó là ý kiến cũng là mong mỏi của nhiều người dân Bình Quới-Thanh Đa khi nói về dự án xây dựng khu đô thị mới trên mảnh đất này. Theo những người dân ở đây, gần đây, chính quyền địa phương có thông báo là Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đã được UBND TP giao làm chủ đầu tư xây dựng khu tái định cư rộng khoảng 20ha cho dự án xây dựng đô thị mới Bình Quới-Thanh Đa ngay trong khu vực này và UBND quận Bình Thạnh sẽ xúc tiến công tác di dời, giải tỏa, đền bù cho người dân trong năm 2009. Đây là một tin rất vui đối với người dân vì nó chứng tỏ dự án xây dựng đô thị mới Bình Quới-Thanh Đa bắt đầu được triển khai.
Tuy nhiên, cho đến nay, người dân vẫn chưa thấy chủ đầu tư hay chính quyền địa phương xuống thỏa thuận giá đền bù với dân. Đại biểu HĐND TPHCM (đơn vị quận Bình Thạnh) Đặng Văn Khoa cũng cho biết, chưa thấy có chi phí cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khu vực Bình Quới-Thanh Đa trong kế hoạch bố trí ngân sách thành phố năm 2009. Như vậy, bao giờ dự án này được chính thức triển khai đến với người dân vẫn chưa thể khẳng định được.
Đó là chưa kể đến tình huống mà theo ông Đặng Văn Khoa là dự án có khả năng phải đưa ra đấu thầu chọn chủ đầu tư. Việc đấu thầu để chọn ra nhà đầu tư có năng lực là điều hoàn toàn đúng đắn, nhưng như vậy cũng đồng nghĩa là dự án sẽ mất thêm thời gian để chuẩn bị thực hiện. Người dân Bình Quới-Thanh Đa vẫn nóng ruột là vậy.
Thế nhưng, nói như vậy cũng không có nghĩa phải nóng vội, nếu cần thiết, thành phố nên tổ chức đấu thầu để chọn được chủ đầu tư có năng lực cho Khu đô thị mới Bình Quới-Thanh Đa. Theo ông Đặng Văn Khoa, vấn đề là khi đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời dân thì chính quyền địa phương, chủ đầu tư phải xem xét đến tính lịch sử của dự án.
Nếu như không bị “treo” thì gần 20 năm nay phần lớn người dân Bình Quới-Thanh Đa đã hoàn chỉnh được hồ sơ, giấy tờ đất đai của mình (hiện nay mặc dù chính quyền địa phương đã tiến hành cấp sổ đỏ cho dân nhưng rất nhiều người còn chưa hoàn chỉnh được giấy tờ nhà, đất). Ở tình trạng này, tất nhiên mức đền bù cho người dân sẽ cao hơn.
Tóm lại, Bình Quới-Thanh Đa được xây dựng thành một đô thị hiện đại phải đồng nghĩa với việc người dân nơi đây được chăm lo tốt hơn.
Dự án xây dựng Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa là một trong những dự án treo lâu nhất thành phố. Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, hầu như cuộc họp HĐND TPHCM nào, các đại biểu HĐND TP cũng chất vấn về dự án này.
Trên địa bàn TPHCM còn khá nhiều dự án tương tự như vậy. Người dân hoàn toàn chia sẻ với những khó khăn của thành phố và họ chỉ mong trong thời gian quy hoạch, dự án chưa được thực hiện thì các quyền lợi của người dân phải được đảm bảo.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng