Top

Khu đô thị kiểu mẫu: Tiêu chí và hiện thực - khoảng cách còn xa

Cập nhật 23/05/2008 16:00

Hà Nội là một trong hai đô thị lớn của cả nước đi đầu về việc xây dựng, phát triển mô hình khu đô thị (KĐT). Tuy nhiên, theo các tiêu chí trong hướng dẫn đánh giá KĐT mà Bộ Xây dựng mới ban hành, xem ra Hà Nội chưa có KĐT nào được gọi là kiểu mẫu.

So bó đũa...

Một trong những tiêu chí quan trọng là phải có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Điều này đều được tính đến trong quy hoạch chi tiết. Song trên thực tế, ngay cả những KĐT được gọi là cao cấp hiện nay cũng không thể vượt qua được tiêu chí này.

Khu Trung Hòa - Nhân Chính của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng - Vinaconex, tuy chưa đủ 50ha theo quy định nhưng cũng được tính vào loại xây xen (có diện tích từ 20ha trở lên). Tuy nhiên, mật độ xây dựng lại quá dầy, thiếu vắng diện tích dành cho cây xanh. Nước sạch từ trạm xử lý cục bộ (trong khi chờ đấu nối với hệ thống cấp nước của thành phố) chưa bảo đảm ổn định về chất lượng. KĐT Việt Hưng, Linh Đàm, Nam Thăng Long, đều có nghĩa trang nằm trong hoặc bên cạnh nhà ở chưa được giải tỏa...

Theo báo cáo giám sát của HĐND TP Hà Nội cuối năm 2007, hầu hết KĐT thiếu tính hài hòa giữa nhà ở, các khu chức năng với môi trường sinh thái. Về hạ tầng kỹ thuật, KĐT nào có hệ thống xử lý nước thải. Về hạ tầng xã hội, hầu hết KĐT đều trong quá trình hoàn thiện, cơ bản thiếu trường học, cơ sở y tế, khu sinh hoạt công cộng... Đặc biệt, một số KĐT chậm hình thành các tổ chức hành chính cơ sở; việc tiếp nhận, bàn giao quản lý dân cư chưa kịp thời dẫn đến nhiều bất cập trong sinh hoạt của người dân.

Nói vậy, không phải các KĐT không có những mặt được, đáng để công nhận. Như khu Nam Thăng Long có nhiều điểm có thể đáp ứng được tiêu chí, đặc biệt là việc thực hiện đúng quy hoạch, tạo dựng hình ảnh đẹp của một KĐT cao cấp. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư mới thực hiện được 50% kế hoạch.

KĐT Linh Đàm có ưu thế về những khoảng không gian xanh, cùng với KĐT Phú Mỹ Hưng - TP Hồ Chí Minh, mới đây đã được Hội Kiến trúc sư Việt Nam bình chọn là một trong 20 công trình tiêu biểu của thời kỳ đổi mới. Giới chuyên môn đánh giá KĐT Linh Đàm xứng đáng là một công trình tiêu biểu. Tuy nhiên, để trở thành một KĐT kiểu mẫu, chắc hẳn còn nhiều điều phải xem xét.

Thêm nữa, theo ông Võ Nguyên Phong, Trưởng phòng Kế hoạch Sở Xây dựng Hà Nội, trình tự đánh giá, công nhận KĐT kiểu mẫu trước tiên phải do chủ đầu tư lập hồ sơ đề xuất, có xác nhận của chính quyền địa phương. Sau đó thành phố lập hội đồng đánh giá, nếu đáp ứng mới trình Bộ Xây dựng công nhận.

Tuy nhiên, có lẽ không chủ đầu tư nào đề xuất, bởi với tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội, chủ đầu tư khó qua được “cửa” lấy ý kiến của ít nhất 70% hộ dân đang sinh sống tại đó. Trước đây, theo chỉ đạo của thành phố, Sở Xây dựng cũng đưa yêu cầu lấy ý kiến của người dân, nhưng “chỉ dám” lấy ý kiến điểm chứ không thể lấy diện rộng. Sở cũng không dám dùng từ “kiểu mẫu” mà chỉ dám coi là “tiêu biểu” vì mẫu là khuôn khổ để áp dụng, còn tiêu biểu chỉ là sự nổi trội theo ý “so bó đũa chọn cột cờ”.

Ngoài ra, hầu hết KĐT đều không thực hiện đúng quy hoạch được phê duyệt trong khi tiêu chuẩn đánh giá buộc chủ đầu tư phải tuân thủ tuyệt đối điều này, đã có vi phạm thì không thể công nhận được.

Tiêu chí thể hiện nguyện vọng

Theo nhận định của nhiều nhà quản lý, hầu hết các KĐT hiện nay đang bị chia cắt, xé lẻ cho nhiều chủ đầu tư, mỗi chủ đầu tư xây dựng vài tòa nhà và ghép nối lại mà thành. Điều đó dẫn đến sự thiếu đồng bộ và những bất cập nêu trên. Mặt khác, chủ đầu tư quan tâm nhiều đến việc kinh doanh, tập trung xây nhà để bán trước, còn công trình hạ tầng xã hội thì đưa vào các khu đất chưa giải phóng được mặt bằng hoặc chuyển sang giai đoạn II chờ bàn giao chủ đầu tư thứ phát.

Để khắc phục, trước hết quy hoạch xây dựng, điều kiện, lợi ích của người dân khi sinh sống tại KĐT phải được công khai, minh bạch. Hơn hết, cơ quan quản lý và các cấp chính quyền phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có thái độ dứt khoát với chủ đầu tư khi không bảo đảm những yêu cầu của quy hoạch. Nếu chủ đầu tư chưa thực hiện đúng, yêu cầu bổ sung ngay, thậm chí phải thay đổi chủ đầu tư không đủ năng lực. Điều đó không chỉ vì lợi ích cộng đồng mà còn giúp phân biệt chủ đầu tư nào làm tốt, chủ đầu tư nào làm không tốt.

Tiêu chí chấm điểm KĐT kiểu mẫu của Bộ Xây dựng được dư luận hoan nghênh và đánh giá cao, bởi nó thể hiện nguyện vọng, mong muốn của xã hội.

* Đến nay, mới có duy nhất KĐT Phú Mỹ Hưng được đề nghị xem xét, công nhận 1 trong 22 khu chức năng (khu A) là KĐT kiểu mẫu cấp quốc gia.

* Các tiêu chí cơ bản để đánh giá KĐT kiểu mẫu gồm: quá trình hình thành, xây dựng tuân thủ pháp luật; hạ tầng kỹ thuật khu vực dân cư bảo đảm 100%, tỷ lệ cây xanh 7m2/người, chất thải rắn được thu gom 100%, có đủ trường học, bệnh viện, nhà văn hóa, công trình thể thao, hành chính... đúng quy hoạch chi tiết; công trình kiến trúc phù hợp quy hoạch, thống nhất, hài hòa, trật tự, mức độ phủ đầy công trình 70% trở lên; có chính sách quản lý, bảo trì; môi trường văn hóa-đô thị lành mạnh, thân thiện; quản lý, khai thác, sử dụng vì lợi ích công cộng - xã hội.


Theo Hà Nội Mới