Top

Thông tư 09 của BXD: Quy định: thoáng, thực hiện: rối

Cập nhật 23/05/2008 15:00

Cơ sở pháp lý cho phép điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng đã đầy đủ nhưng chưa một chủ đầu tư nào dám rục rịch

Theo BQLDA các quận, huyện, nếu không nhanh chóng điều chỉnh giá sẽ xảy ra hai khả năng: Một là đơn vị thi công chấp nhận bị phạt vì vi phạm hợp đồng để bỏ công trình, hai là chủ đầu tư phải chịu thiệt hại lớn nếu muốn đúng tiến độ

Chuyện các đơn vị thi công lao đao vì giá vật liệu xây dựng kéo nhau leo thang đã tiếp diễn suốt từ quý IV/2007 đến nay. Thông tư 09/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng gần đây được các quận, huyện hy vọng sẽ cứu được tình hình nước sôi lửa bỏng. Thế nhưng...

Chủ trương đã thoáng...

Thi công cầm chừng, đó là tình trạng phổ biến tại nhiều dự án của quận, huyện. Ông Huỳnh Mộng Nhân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) quận Tân Phú, cho biết: “Thời gian chậm tiến độ rơi vào khoảng tháng 3, tháng 4-2008. Lúc đó, những chương trình khởi công mới không lập dự án đấu thầu được vì phải chờ hướng dẫn điều chỉnh giá nhân công. Còn những công trình đang thi công lại chờ bù trượt giá do giá vật tư tăng cao”.

Còn theo ông Võ Đức Thanh, Giám đốc BQLDA quận 11, ba công trình trọng điểm của quận là khu A Phú Thọ dành để tái định cư và hai trường học đều chậm. “Tiến độ khu A bắt đầu chậm từ quý IV/2007 khi giá thép tăng lên đến 12.000 - 14.000 đồng/kg. Đến nay giá thép đã là 16.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với giá dự toán được duyệt. Gạch xây từ 500 đồng/viên cũng vọt lên 1.200 đồng/viên. Nóng nhất hiện nay là xi măng, giá đã tăng lên 70.000 - 80.000 đồng/bao”- ông Thanh liệt kê.

Trước tình hình nước sôi lửa bỏng, ngày 20-5, Thông tư 09 của Bộ Xây dựng có hiệu lực thi hành và UBND TP cũng kịp thời có văn bản hướng dẫn. Theo đánh giá của các quận, huyện, Thông tư 09 rất thoáng. “Thoáng nhất là cho phép tạm thanh toán cho nhà thầu rồi điều chỉnh tổng mức đầu tư sau. Điều này rất phù hợp trong tình hình giá cả còn biến động nhiều như hiện nay”- ông Võ Đức Thanh nhận xét.

Ngoài ra, cũng trong ngày 20-5, văn bản hướng dẫn Thông tư 03/2008/TT-BXD về điều chỉnh chi phí nhân công và máy thi công theo giá mới của UBND TP cũng có hiệu lực. Như vậy đã đủ căn cứ pháp lý để thực hiện việc điều chỉnh giá.

... Nhưng vẫn chưa thông

Ngay sau khi Thông tư 09 có hiệu lực, các quận, huyện rục rịch tính toán điều chỉnh và phát hiện ra còn rất nhiều vấn đề... không biết phải làm sao. Đau đầu nhất là căn cứ để điều chỉnh dự toán, giá gói thầu và hợp đồng. Ông Thanh nêu vấn đề: “Cùng một thời điểm có ba công trình, ba đơn vị thi công sẽ báo giá khác nhau. Nếu chủ đầu tư cộng lại đem chia bình quân cũng không ai chịu”.

Còn bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc BQLDA quận Tân Bình, nói: “Trước đây căn cứ vào giá do liên sở Tài chính - Xây dựng lập, giá này tiện cho Nhà nước và chủ đầu tư quyết toán nhưng lại không theo kịp thị trường nên Chính phủ đã quyết định bảng giá này chỉ có tính tham khảo, chủ đầu tư tự tính giá. Quận Tân Bình có 6 dự án điều chỉnh giá nhưng không chủ đầu tư nào dám tính trước, ai cũng... chờ người khác làm để làm theo”.

Trong khi đó, ông Huỳnh Mộng Nhân cho biết quận Tân Phú đã chủ động thành lập một tổ giá để lập danh mục giá một số vật tư chủ yếu sử dụng thống nhất cho 18 dự án phải điều chỉnh giá đợt này. Tuy nhiên, cách làm này chưa làm các quận, huyện khác yên tâm. “Bảng giá đó chỉ dùng được cho những công trình khởi công mới chứ không quay lại điều chỉnh được những công trình đã thi công. Hơn nữa, đơn vị thi công có quyền khiếu nại vì đã có quy định cho phép thanh toán theo giá trong hóa đơn chứng từ của họ”- cán bộ một BQLDA nói.

Ngoài ra, Thông tư 09 quy định: “Đối với loại vật liệu xây dựng không thể có hóa đơn thì căn cứ vào hợp đồng hoặc bảng kê chứng từ viết tay”. Nhưng không quận, huyện nào dám làm theo. “Chứng từ hợp lệ theo Bộ Tài chính chỉ có hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn đỏ không hoàn thuế. Nếu dùng giấy tay như Bộ Xây dựng cho phép thì bên tài chính có chịu quyết toán không?” - ông Thanh thắc mắc.

Còn một cán bộ BQLDA quận Tân Bình nói: “Giá xi măng xuất xưởng là 53.500 đồng/bao nhưng hầu như đơn vị thi công nào cũng phải mua giá cao tới 80.000 - 100.000 đồng/bao. Chênh lệch đó phải thể hiện như thế nào trong hóa đơn chứng từ khi Chính phủ đã yêu cầu không được tăng giá xi măng? Đem ra kho bạc là chết đứng, không quyết toán được”.

UBND TP cũng đã có văn bản kiến nghị các bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính và Xây dựng hướng dẫn thêm nhưng đến nay chưa có phản hồi. Chính vì vậy, dù Kho bạc Nhà nước TPHCM cho biết sẽ ưu tiên những hồ sơ đề nghị tạm ứng, thanh toán tiền bù trượt giá nhưng đến nay vẫn chưa nhận được một hồ sơ nào.

Theo Người Lao Động