Top

Khu công nghiệp Tân Phú Trung chạy luật?

Cập nhật 20/03/2008 08:00

Đền bù đất tại dự án khu công nghiệp Tân Phú Trung được chủ đầu tư và ban bồi thường áp dụng mức giá từ 13 năm trước. Hệ quả là đến nay dự án này bị treo gần năm năm trời. Các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp gây ô nhiễm phải di dời ra đây cứ dài cổ chờ đất

Như báo SGTT số ra ngày 17.3 thông tin, 71 doanh nghiệp Tân Phú Trung đã đồng loạt khiếu nại về một chủ trương bất hợp pháp từ chủ đầu tư khu công nghiệp (KCN) Tân Phú Trung (thu hồi đất và bắt họ đóng tiền hạ tầng không đúng quy định). Lần lại tính pháp lý khi hình thành dự án KCN Tân Phú Trung, chúng tôi nhận thấy có nhiều dấu hiệu bất thường.

Quy trình ngược

Ngày 23.6.2004, thủ tướng chính phủ ký văn bản cho phép thành lập KCN (diện tích 552ha). Ngày 24.6.2004, tức chỉ sau công văn của thủ tướng một ngày, thành phố đã ký duyệt phương án bồi thường thu hồi đất căn cứ theo phương án do huyện Củ Chi lập. Đây là một kỷ lục hiếm thấy với các dự án khác. Tất nhiên phương án bồi thường sẽ căn cứ theo luật cũ (hướng dẫn bằng nghị định 22) và đơn giá đất từ năm 1995 (quyết định 05 của thành phố).

Tại thời điểm ký duyệt phương án bồi thường, chỉ còn cách sáu ngày nữa là luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực (1.7.2004). Giả sử, nếu phương án bồi thường thu hồi đất ở đây được ký sau khi luật có hiệu lực, chính sách đền bù sẽ được nghị định 197 điều chỉnh. Chắc chắn mức giá sẽ không chỉ có 65.000 đồng/m2 đất nông nghiệp, mà cao hơn rất nhiều.

Tiếp đến, mãi đến giữa tháng 12.2004, thành phố mới có quyết định phê duyệt “dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN”. Theo quy trình, dự án phải có quyết định đầu tư mới lập phương án bồi thường, cuối cùng mới đến khâu duyệt phương án bồi thường. Nhưng ở dự án này, các khâu đều làm ngược lại.

Những điều bất thường tại KCN khiến nhiều người bị giải toả thu hồi đất nơi đây nghi ngại: liệu đã có chuyện “chạy luật” từ chủ đầu tư? Vì nếu làm phép tính đơn giản, số tiền bồi thường theo luật cũ chỉ bằng hơn một nửa so với giá đất mới.

Chủ đầu tư cụt vốn

Tại buổi giám sát của ban Kinh tế - ngân sách vào giữa năm 2007, ông Dương Trọng Khiêm, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần phát triển đô thị Sài Gòn Tây Bắc (hiện là chủ đầu tư) đã không trả lời được câu hỏi “khi nào đền bù xong” của đại biểu HĐND thành phố Phạm Minh Trí. Sự ì ạch trong đền bù giải toả còn khiến nhiều đại biểu nóng lên khi tại thời điểm này, tập đoàn Foxconn (Đài Loan) đề nghị đầu tư 2 tỉ USD vào KCN với diện tích thuê đất 200ha.

Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, trưởng ban kinh tế ngân sách của HĐND, thành phố đã chọn công ty Song Tân (tiền thân của công ty Sài Gòn Tây Bắc hiện nay) là một đối tác không đủ năng lực. Song Tân được giao làm chủ đầu tư, quản lý hơn 500ha đất nhưng chỉ có khoảng 50 tỉ đồng. Trong khi tiền cần tối thiểu để đền bù xong phải gấp 10 lần. Vì vậy, đền bù giải toả tính đến cuối năm 2007 vẫn còn vướng 111ha (25,4% diện tích).

Mức giá cũ là 65.000 đồng/m2 là không hợp lý, nhưng mức giá mới để áp dụng cho bây giờ sẽ là bao nhiêu cũng chưa được các bên (ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi và chủ đầu tư) cho đáp số. Theo một đại biểu, nếu bây giờ KCN bồi thường dưới 200.000 đồng/m2 thì chắc chắn không ai chịu, vì giá đền bù ngày càng tiệm cận với giá thị trường nên không có cớ gì để ép dân giá thấp.

Đền bù chậm và không biết khi nào xong đã kéo theo hàng loạt hệ luỵ. Đến cuối năm ngoái, chủ đầu tư mới chỉ dự kiến san lấp được 100ha. Việc thi công con đường trục D4 dọc KCN cũng dậm chân tại chỗ vì vướng đền bù giải toả. Hệ thống đường xương cá vẫn đang nằm trên giấy. Nhà máy xử lý nước thải tập trung vẫn chưa hoàn thành, dù không ít lần chủ đầu tư hứa hẹn.

Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trung Tín đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan phải giải quyết thoả đáng những khiếu nại của doanh nghiệp trong quý 1. Vậy chỉ còn 12 ngày nữa sẽ hết hạn nhưng chưa doanh nghiệp nào nhận được tín hiệu giải quyết từ các đơn vị trên. Trong năm 2007, văn phòng chính phủ đã có ba công văn truyền đạt ý kiến của phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, yêu cầu thành phố đối thoại, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp và báo cáo kết quả cho thủ tướng


Theo Sài Gòn Tiếp Thị