Top

Không gian ngầm tại các đô thị: “Mỏ vàng” chưa được khai thác

Cập nhật 23/10/2008 07:00

Đó là đúc kết của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, tại hội thảo “Những bài học kinh nghiệm quốc tế và VN về công trình ngầm đô thị” do Tổng hội xây dựng VN tổ chức tại TPHCM ngày 22-10.

Khi mặt đất tại các đô thị lớn ở VN như Hà Nội, TPHCM... trở nên quá đắt đỏ, đồng thời phải đương đầu với vấn nạn hạ tầng đô thị quá tải thì việc khai thác không gian ngầm trở thành hướng đi tất yếu.

Vừa làm vừa run!

Tiến sĩ Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vincom, cho rằng đây là “mỏ vàng” mới của đô thị nếu biết khai thác một cách đúng đắn. Tại các nước tiên tiến, việc khai thác các công trình ngầm đã tiến những bước khá xa. Từ khái niệm chỉ gói gọn cho từng công trình, từng tổ hợp công trình ngầm đơn lẻ đã xuất hiện các khái niệm mới hơn, rộng hơn như: “đô thị ngầm”, “TP phát triển hướng về phía dưới mặt đất”...

Ở VN do chưa có quy hoạch ngầm cho đô thị, dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm nên phát triển không đồng bộ, thiếu các công trình đa chức năng phục vụ cho lợi ích cộng đồng. Còn các doanh nghiệp thì “vừa làm vừa run” do lo sợ khi có quy hoạch sẽ tạo ra phức tạp. Đơn cử như dự án bãi đậu xe ngầm tại công trường Lam Sơn (TPHCM), chủ dự án đã tốn nhiều năm trời và hàng chục tỉ đồng nhưng kết quả là không được xây dựng. Bên cạnh đó, việc thiếu hành lang pháp lý khiến chính ngay cả cơ quan cấp phép cũng lúng túng.

Ngoài ra, cơ chế chính sách không khuyến khích các doanh nghiệp làm công trình ngầm, cụ thể là việc thu tiền sử dụng đất nếu khai thác công trình ngầm bằng 50% so với mặt đất, trong khi việc xây dựng, quản lý bảo dưỡng công trình ngầm vừa tốn kém lại thu hồi vốn chậm. “Nếu không có cơ chế khuyến khích thì việc phát triển không gian ngầm sẽ giậm chân tại chỗ và gây ra tình trạng lãng phí”- các chuyên gia nhận định.



Khai thác không gian ngầm là hướng đi tất yếu
tại các đô thị lớn. Ảnh: T.Thạnh.


Thiếu nhạc trưởng, hiếm kỹ sư


Không chỉ nỗi lo về pháp lý, chính sách khi đụng vào các công trình ngầm mà nhiều chuyên gia lại ngại về tình trạng cát cứ và thủ tục hành chính của các “ông” cấp nước, điện, viễn thông... Trong tham luận của mình, tiến sĩ Tô Văn Trường, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, đã “vẽ” lên những mặt còn hạn chế do tình trạng thiếu nhạc trưởng trong công tác quản lý công trình ngầm. Cụ thể, trong quá trình thi công các dự án nâng cấp đô thị, các nhà thầu phát hiện rất nhiều công trình ngầm cần phải di dời như hệ thống cấp nước, điện, viễn thông... và nhà thầu phải tự đi tìm chủ nhân để phối hợp di dời, mất rất nhiều thời gian.

Để tiến vào lòng đất phải cần lực lượng chuyên ngành và có kinh nghiệm, nhưng thực trạng hiện nay ở VN vẫn là sử dụng các chuyên gia tay ngang. Hiện nay, tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội mới có 200 sinh viên được đào tạo ngành kỹ sư xây dựng công trình ngầm đô thị, từ năm thứ nhất đến năm thứ tư. Như vậy, phải hai năm nữa lực lượng kỹ sư này mới ra trường. Tuy nhiên, để tiếp cận với thực tiễn và phát huy tác dụng chắc phải mất thêm một thời gian dài.

Từ những sự cố gần đây ở các công trình xây dựng có phần ngầm tại TPHCM, phó giáo sư Đặng Hữu Diệp, Giám đốc Liên hiệp Địa chất Công trình - Xây dựng và Môi trường, đưa ra những cảnh báo: Hiện ở VN phổ biến tình trạng nhà đầu tư giao trọn gói khảo sát và thiết kế cho đơn vị thiết kế, từ đó đơn vị này đưa ra đề cương khảo sát tiết kiệm nhất mà không chú ý đến những yêu cầu kỹ thuật thực tế, điều này dễ dẫn đến sự cố trong quá trình thi công và gây lãng phí lớn.

Hiệu quả rất lớn

Giáo sư Nguyễn Văn Quảng, cố vấn cao cấp Công ty Apave VN và Đông Nam Á, nêu bài học kinh nghiệm của Nga: Việc sử dụng không gian ngầm ở thủ đô Moscow đã giúp tiết kiệm hàng ngàn ha đất đô thị, trong khi nếu giải phóng mặt bằng với quỹ đất như trên tại trung tâm TP là vô cùng đắt đỏ. Mặt khác, khi xây dựng 1 km đường nổi với 6 làn xe hơi, phải cần diện tích đất từ 4,5 đến 7 ha, còn để xây dựng 1 km ngầm như vậy mất rất ít. Theo giáo sư Quảng, đầu tư ban đầu cho công trình ngầm rất lớn nhưng hiệu quả lâu dài còn lớn hơn rất nhiều.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động