Top

Không can thiệp nóng vội vào thị trường bất động sản

Cập nhật 01/02/2008 10:00

Để điều trị cơn “sốt” trên thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay, có ý kiến cho rằng, Chính phủ cần can thiệp bằng chính sách tương tự như “Chỉ thị 03” đối với thị trường chứng khoán.

Trao đổi với Báo giới, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, khẳng định: “Theo quan điểm của cá nhân tôi thì Bộ Xây dựng sẽ không làm chuyện này”.

Ông có bình luận gì về tình hình thị trường BĐS hiện nay?

Cá nhân tôi nghĩ rằng, thị trường BĐS càng sôi động càng tốt, hay nói nôm na là cái chợ mà nguội tanh không có hàng hoá, giao dịch thì gọi gì là chợ. Thị trường mà sôi động là điều mừng đối với tất cả chúng ta, xã hội và cả Chính phủ. Tuy nhiên, với những diễn biến bất thường của thị trường BĐS hiện nay thì cũng cần những giải pháp để giúp cho thị trường phát triển lành mạnh.

Vì vậy mà vừa qua, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng chủ trì thành lập Tổ nghiên cứu thị trường BĐS để tư vấn cho Chính phủ ban hành chính sách nhằm bình ổn và phát triển lành mạnh thị trường này? Chúng tôi sẽ cố gắng trong các chính sách đề xuất với Chính phủ theo hướng tránh hết sức việc áp đặt và can thiệp có tính nóng vội hay chạy theo biến động tức thời của thị trường. Quan điểm của tôi là chính sách phải mang tầm nhìn xa hơn, lâu dài và phải thúc đẩy thị trường phát triển sôi động.

Có thể khẳng định rằng, chúng tôi sẽ không đề xuất những chính sách làm “nguội” thị trường. Nếu “cầu” mà cao thì chính sách không nên theo hướng kéo “cầu” xuống, mà phải tìm cách đẩy “cung” lên để đáp ứng được “cầu”.



Ông Nguyễn Trần Nam

Song với hiện tượng “sốt” của thị trường BĐS cuối năm 2007 và đầu năm 2008, theo ông, Chính phủ sẽ cần có giải pháp gì để chấn chỉnh?

Theo tôi, Nhà nước cố gắng can thiệp ít, mà nên để cho thị trường tự điều tiết. Thị trường BĐS tăng giá mạnh vừa qua chủ yếu ở phân khúc thị trường căn hộ cao cấp và nhà vườn, biệt thự. Điều này chưa phản ánh đầy đủ nhu cầu thực tế về nhà ở mà có phần tác động của dòng tiền đầu tư được chuyển từ lĩnh vực chứng khoán sang.

 Bên cạnh đó, diễn biến của giá vàng, đồng USD cũng khiến nhà đầu tư chuyển hướng sang BĐS. Vì vậy, thời gian tới, điều mà Chính phủ cần quan tâm trước hết là làm sao để đông đảo người dân trong xã hội có thể tiếp cận được với thị trường BĐS. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Chương trình phát triển nhà ở xã hội đến năm 2020. Đây là một chủ trương vừa cấp bách, vừa lâu dài để giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân.

Hiện các DN kinh doanh BĐS đang rất “vướng” vì quy định chủ đầu tư chỉ được huy động vốn khi đã triển khai xong cơ sở hạ tầng hoặc làm xong phần móng nhà. Vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao, thưa ông?

Về quy định huy động vốn, trước hết phải nói tại sao lại có quy định này? Trên thực tế, có một số DN khi dự án chưa được phê duyệt, quyền sử dụng đất chưa được cấp, quy hoạch chưa được phê duyệt thì đã huy động vốn, sau đó không triển khai được, dẫn đến tình trạng chiếm dụng vốn của dân. Vì vậy, quy định điều này xuất phát từ ý tốt là bảo vệ quyền lợi của người dân.

Nhưng cũng phải thấy rằng, phần lớn các DN trong nước hoạt động trong lĩnh vực này có lượng vốn không lớn, trong khi đầu tư vào BĐS lại cần nhiều vốn. DN vay tiền ngân hàng thì có những hạn chế và phải trả lãi suất cao làm tăng giá thành và giá bán, mà người dân lại đang có nhu cầu thực sự về nhà ở. Vì vậy, tôi cho rằng, các quy định về việc huy động vốn cũng như nộp tiền sử dụng đất có thể cần phải điều chỉnh để tạo điều kiện cho DN đẩy nhanh được tiến độ triển khai dự án, tăng cường nguồn cung hàng hoá vào thị trường.

Theo Đầu Tư Chứng Khoán