Top

Khởi động hành trình cứu sông Nhuệ

Cập nhật 29/10/2009 09:25

Thành phố Hà Nội đang gấp rút lập đề án quản lý bảo vệ môi trường và sử dụng đất đai lưu vực sông Nhuệ. Theo đó, để cứu dòng sông, thành phố không chỉ xử lý nghiêm minh các hành vi gây ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông mà còn giải tỏa các trường hợp lấn chiếm, trả lại hành lang thông thoáng cho sông Nhuệ.

Nhà cửa lấn chiếm san sát biến sông Nhuệ thành... mương


Ô nhiễm, lấn chiếm bừa bãi


Sông Nhuệ, đoạn qua Hà Nội, dài 62,9km, chảy qua hàng loạt quận, huyện như Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, ứng Hòa, Phú Xuyên. Hà Nội chiếm tới 87.164ha trong lưu vực sông Nhuệ với dân số gần 107.000 người. Khảo sát mới nhất trên toàn tuyến của Sở TN-MT Hà Nội cho thấy, nhiều đoạn sông hiện đã bị ô nhiễm nặng do phải tiếp nhận lượng nước thải chưa qua xử lý quá lớn từ các hộ dân cũng như cơ sở sản xuất, làng nghề... ở hai bờ sông. Nhiều đoạn sông có nước màu xám, đen đục và hôi thối, nhiễm vi khuẩn... do có sự hòa lẫn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện... Hàm lượng các chất gây ô nhiễm trong nước sông đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ vài lần tới hàng chục lần!

Điều tra của Sở TN-MT cũng cho biết, chỉ riêng huyện Từ Liêm đã có 91 cơ sở sản xuất và 2 làng nghề xả nước thải trực tiếp vào sông Nhuệ. Quận Hà Đông có 48 cơ sở và 5 làng nghề. Ngoài ra, còn có 8 cơ sở công nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Trì và hàng chục làng nghề như Dương Liễu, Minh Khai, Sơn Đồng... thuộc huyện Hoài Đức đêm ngày xả thải, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sông Nhuệ.

Cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng, nạn lấn chiếm, sử dụng đất trái pháp luật hai bên bờ sông Nhuệ từ lâu đã khá phổ biến, gây bức xúc trong dư luận. Lòng sông Nhuệ vốn đã nhỏ hẹp, do bị lấn chiếm bừa bãi, hiện nay, nhiều đoạn sông đã bị “ép” thành... mương! Trên trục hành lang sông Nhuệ hiện có 3.872 tổ chức, hộ gia đình cá nhân sử dụng trên 1,5 triệu m2 đất song có tới hơn 1,4 triệu m2 không có giấy tờ hợp pháp (chiếm 94,76%). Đứng “đầu bảng” trong việc lấn chiếm hành lang sông Nhuệ là huyện Từ Liêm với hơn 2.000 hộ dân sử dụng đất không có giấy tờ hợp pháp. Kế đó là quận Hà Đông (680); huyện Thanh Trì (254), Phú Xuyên (103)...

Xem xét 1,4 triệu m2 đất không giấy tờ

Theo đề xuất của Sở TN-MT Hà Nội, để cứu sông Nhuệ, cùng với việc xử lý ô nhiễm môi trường trên toàn tuyến, phải tiến hành đồng bộ việc siết chặt công tác quản lý sử dụng đất đai hai bên bờ sông. Trước hết, để bảo vệ môi trường, thành phố sẽ tăng cường kiểm soát ô nhiễm, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, làng nghề có phát sinh nước thải trực tiếp ra sông Nhuệ và các hành vi đổ phế thải, rác thải lấn chiếm dòng chảy.

Đồng thời, công khai thông tin về tình hình vi phạm để nhân dân cùng giám sát, tạo áp lực xã hội đối với các hành vi vi phạm. Đặc biệt, thành phố sẽ xử lý người đứng đầu hoặc đình chỉ hoạt động các doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường. Đối với các làng nghề, thành phố sẽ di chuyển các cơ sở, điểm sản xuất của hộ gia đình gây ô nhiễm ra các cụm công nghiệp làng nghề tập trung.

Đề án này dự kiến sẽ kéo dài tới năm 2015 với số vốn đầu tư vài nghìn tỷ đồng. Chỉ riêng trong năm 2010, các dự án ưu tiên do ngân sách thành phố trực tiếp đầu tư đã cần số kinh phí ước tính 363,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngay trong năm tới, cùng với việc bắt đầu nạo vét cục bộ từng đoạn sông Nhuệ và lập phương án xử lý nước thải ô nhiễm của các làng nghề ở Từ Liêm, Hoài Đức, Hà Đông, thành phố cũng sẽ xây dựng các trạm và nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn để làm sạch sông Nhuệ.

Bên cạnh hướng xử lý đối tượng vi phạm pháp luật môi trường, vấn đề được hàng trăm nghìn người dân sống hai bên bờ sông Nhuệ đặc biệt quan tâm hiện nay chính là giải pháp của thành phố đối với hơn 1,4 triệu m2 đất đang sử dụng mà không có giấy tờ hợp pháp. Theo đề xuất bước đầu của Sở TN-MT Hà Nội, đối với các trường hợp nằm trong hành lang bảo vệ sông Nhuệ mới phát sinh lấn chiếm, xây dựng trái phép, sẽ phải xử lý giải tỏa dứt điểm.

Đối với các trường hợp đã tồn tại từ lâu, Sở này đề xuất phân loại (các trường hợp có giấy tờ hợp pháp và không có giấy tờ) để xử lý cho tồn tại hoặc thực hiện giải tỏa theo lộ trình triển khai thực hiện quy hoạch được duyệt và đúng quy định pháp luật.

 

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô