Sự không rõ ràng trong thẩm định giá là một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản liên tục nằm trong trạng thái “sốt nóng” hoặc “đóng băng”.
Phát biểu tại Hội thảo về thẩm định giá bất động sản (do Hội Thẩm định giá Việt Nam – VVA và Công ty CBRE Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội), ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch VVA cho biết, trong thời gian qua, đi tiên phong trong lĩnh vực thẩm định giá bất động sản tại Việt Nam là hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, việc thẩm định giá bất động sản của các ngân hàng là nhằm bảo đảm giá trị của tài sản thế chấp cho các khoản vay tín dụng, do đó sự công bằng trong việc thẩm định giá ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.
Theo ông Tuấn, để xác định giá trị bất động sản, các ngân hàng nên có những công ty thẩm định giá độc lập để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, bởi “tiếng nói” của những tổ chức này có ý nghĩa rất lớn đối với giá trị bất động sản nếu như sau đó bất động sản phải tiến hành phát mại.
Sự không rõ ràng trong việc thẩm định giá bất động sản còn là một trong những nguyên nhân chủ yếu “góp phần” bóp méo quan hệ cung cầu trên thị trường bất động sản Việt Nam thời gian qua. Theo ông Đinh Ngọc Bách (Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng), có không ít dự án chung cư được xây dựng với chất lượng, tiện nghi trung bình, suất đầu tư thấp, nhưng cũng được rao bán với tên gọi “chung cư cao cấp”.
Đây chính là sự lạm dụng tên gọi “chung cư cao cấp” của các nhà kinh doanh để kiếm lời. “Việc lạm dụng này được hỗ trợ bởi sự thiếu hiểu biết của khách hàng mua nhà chung cư. Nhiều người mua nhà trong khi không biết rõ về chất lượng và tiện nghi của ngôi nhà; việc mua bán nhà nhiều khi chỉ thực hiện trên giấy tờ, theo bản vẽ thiết kế, hợp đồng mua bán nhà không thỏa thuận chi tiết, cụ thể về chất lượng tiện nghi hay các dịch vụ liên quan.
Bên cạnh đó, lại không có một tổ chức độc lập nào có quyền đứng ra định giá những món hàng đặc biệt này”, ông Bách nói và cho rằng, bất chấp việc Bộ Xây dựng mới đây đã ban hành Thông tư quy định phân hạng các loại chung cư, nhưng trên thực tế, việc xác định giá trị bất động sản hiện vẫn chủ yếu phụ thuộc vào chủ đầu tư.
Hàng loạt mâu thuẫn đã xảy ra giữa chủ đầu tư và khách hàng tại các dự án nhà ở thời gian qua, mà phần thua thiệt chủ yếu vẫn là khách hàng. Bằng chứng là các căn hộ của Vinaconex, HUD…, với giá bán hàng trăm ngàn USD/căn hộ vẫn bị lở trần, nứt tường hay trào nước toilet... mà những khiếu nại sau đó của các hộ dân chẳng khác nào việc “con kiến kiện củ khoai”!
Cũng tại Hội thảo, ông Colin Wood, chuyên gia thẩm định giá của CBRE Việt Nam đã chỉ ra rằng, để việc định giá bất động sản được chính xác, thẩm định viên phải có đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, vấn đề này còn hết sức khó khăn tại Việt Nam, bởi hiện tại, việc tiếp cận thông tin về đất đai gần như vẫn là “độc quyền” của một vài doanh nghiệp.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư