Đầu tư còn manh mún, thiếu kiểm soát, bị động về nguồn lực phát triển và sự điều tiết của cơ chế thị trường trong xu thế cạnh tranh cao, năng lực quản lý và huy động tài chính cho phát triển đô thị còn kém - đó là những hạn chế dẫn đến việc thiếu vốn, cơ sở hạ tầng đô thị không phát triển kịp với yêu cầu thực tế.
Nhu cầu vốn đầu tư phát triển đang là vấn đề bức xúc của hầu hết các đô thị trong cả nước. Hiện nay, hầu hết các đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Phần lớn đô thị đã được lập quy hoạch chung và phần lớn các khu vực phát triển tập trung đều có quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, khoảng cách của đồ án quy hoạch và các dự án đầu tư theo quy hoạch còn rất xa.
Từ quy hoạch đô thị đến các dự án đầu tư xây dựng cải tạo và phát triển đô thị rất cần có một kế hoạch hành động cụ thể xác định nhu cầu phát triển và các nguồn lực khả thi cho đô thị. Thế nhưng, bước chuyển tiếp này chưa được thể chế hóa hoặc chưa được nghiên cứu đầy đủ trong quá trình phát triển đô thị để hỗ trợ các nhà quản lý đô thị. Các cấp chính quyền địa phương được giao quyền phê duyệt nội dung đồ án quy hoạch với những ý tưởng rất hay, song nguồn lực đầu tư ở đâu lại chưa xác định được.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Phó viện trưởng Viện Tài chính, một trong những giải pháp quan trọng huy động nguồn tài chính cho phát triển đô thị là các khoản thu liên quan tới đất. Trong những năm qua, do có nhiều thay đổi về chính sách đối với đất, nhất là giá đất đô thị tăng nhanh nên số thu về nhà, đất cũng tăng nhanh. PGS.TS Lê Quốc Lý, Vụ trưởng Vụ Tài chính tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết, nguồn thu từ đất của cả nước hiện trên 20.000 tỷ đồng/năm. Nhiều nơi, các khoản thu về đất đai đã chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng thu ngân sách đô thị, trong đó thu tiền sử dụng đất chiếm khoảng 80% về tổng thu nhà đất.
Tuy nhiên, để tiếp cận và khai thác tốt nguồn thu tiền sử dụng đất này, chính quyền đô thị cũng cần phải làm tốt công tác quy hoạch, quản lý chặt chẽ về đất, giá đất và các quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Để đáp ứng các mục tiêu mà Việt Nam đã đặt ra đối với phát triển hạ tầng đô thị từ các năm 2006 - 2020, ước tính chưa đầy đủ của WB cho thấy, vốn đầu tư vào hạ tầng cơ sở đô thị chiếm khoảng 15 - 20% tổng GDP của Việt Nam, chưa kể các hạ tầng liên tỉnh lớn của quốc gia. Đây là những khoản đầu tư rất lớn, đòi hỏi phải huy động từ nhiều nguồn ngoài ngân sách Nhà nước và cần có những chính sách, cơ chế riêng tạo nguồn tài chính cho xây dựng, phát triển đô thị.
Cần cho phép đô thị được xây dựng quỹ đầu tư phát triển đô thị, bao gồm các nguồn thu từ đô thị như tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thu từ các dịch vụ phục vụ cho tái đầu tư hạ tầng, đóng góp của nhân dân... để hỗ trợ cho việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị; tạo môi trường khuyến khích phù hợp để thu hút tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng; đấu giá quỹ đất hai bên đường để đầu tư xây dựng đường, hạ tầng kỹ thuật đi kèm và trong nhiều trường hợp có thể dùng kinh phí dôi ra để đầu tư xây dựng hệ thống các công trình phúc lợi công cộng; tạo nguồn vốn đầu tư thông qua phát hành trái phiếu phát triển đô thị.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị