Trong lúc thị trường bất động sản (BĐS) còn nhiều khó khăn thì một số chuyên gia đã có nhận định lạc quan rằng, trong năm 2014, thị trường BĐS sẽ phục hồi ở khu vực giá thấp.
Các chuyên gia nhận định những dấu hiệu tích cực của thị trường BĐS được xuất phát từ nhiều yếu tố. Trong đó có sự nỗ lực của Nhà nước trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, triển khai những chính sách kích cầu cho thị trường. Đó là những tín hiệu đáng mừng cho sự hồi phục của thị trường BĐS sau nhiều năm “đóng băng”.
Tín hiệu phục hồi
Điều này có thể chứng minh từ dự án căn hộ Lotus Apartment của Tổng Công ty thương mại Sài Gòn (Satra) tại TP Hồ Chí Minh. Dự án này bắt đầu mở bán từ ngày 15/8/2013, đến nay đã bán được hơn 90 căn trên tổng số 100 căn. Dự án đất nền Tăng Phú House của Tổng Công ty cổ phần Dệt may Phong Phú đã nhanh chóng bán được 50/79 nền khi vừa mở bán từ ngày 2/11 vừa qua. Dự án căn hộ Hưng Phát của doanh nghiệp BĐS Hưng Lộc Phát đã bán 100/110 căn từ tháng 6/2013.
Nhiều chuyên gia nhận định năm 2014, thị trường BĐS sẽ phục hồi. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
|
Tại thị trường Hà Nội, BĐS cũng có dấu hiệu ấm lên rõ rệt, thể hiện ở việc hàng loạt các dự án mở bán trong đầu quý 4/2013. Chẳng hạn, Cen Group mở bán căn hộ Xuân Mai Park State (Hà Đông) với giá từ 16,8 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT và nội thất) với các loại diện tích phù hợp từ 45 - 128 m2, đến nay đã bán được khoảng 120 căn hộ trong tổng số gần 200 căn. Công ty CBRE Việt Nam mở bán căn hộ dự án Mulberry Lane (Hà Đông) gồm 5 tòa nhà, cao 27 - 35 tầng, cung cấp 1.478 căn hộ với giá bán 25 - 27 triệu đồng/m2, đến nay đã bán được 70% căn hộ. Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển nhà số 7 Hà Nội khai trương nhà mẫu và chính thức chào bán khu căn hộ của tòa CT2B thuộc dự án Khu nhà ở Xuân La, Tây Hồ với mức giá từ 24,84 triệu đồng/m2 (chưa VAT), nay đã bán được 50/96 căn.
Bà Võ Nhật Liễu, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần BĐS Nam Việt nhìn nhận: “Trải qua nhiều sóng gió, đến nay thị trường BĐS đã có dấu hiệu đáng mừng vào những tháng cuối năm. Thẳng thắn mà nói, những doanh nghiệp đã “chết” thì đã chết rồi, những doanh nghiệp còn “sống” đang bắt đầu gượng dậy nhờ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Các doanh nghiệp BĐS chào bán dự án thời gian qua đã tạo được niềm tin cho khách hàng, sau khi họ đón nhận quá nhiều tin xấu từ thị trường trong suốt thời gian dài”.
Theo bà Liễu, nhu cầu nhà ở của người dân là rất lớn và phần lớn khách hàng đều quan tâm đến tiến độ xây dựng. “Sau thời gian dài phát triển “nóng” và khi “quả bóng” BĐS nổ tung khiến thị trường ảm đạm thì nay là thời điểm thị trường bắt đầu đón nhận những dấu hiệu hồi phục với những doanh nghiệp thực sự có năng lực. Tôi tin thị trường BĐS sẽ đón thêm những tín hiệu tích cực vào năm 2014”, bà Liễu nói.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Công ty Đất Xanh Miền Bắc cũng thừa nhận, thanh khoản đối với thị trường căn hộ trong quý 4/2013 đã có sự khác biệt rõ rệt so với các quý trước. Các dự án mà đơn vị này đang phân phối, mở bán như dự án Golden Land, quận Thanh Xuân có lượng giao dịch tăng lên đáng kể.
Đồng quan điểm, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi Trường, cho rằng, thị trường BĐS năm 2014 có những tia sáng về sự hồi phục. Nếu các doanh nghiệp tái cơ cấu nhanh, thị trường sẽ sôi động hơn vào năm 2015.
Phụ thuộc nhiều yếu tố
Trong những chính sách được ban hành để kích cầu thị trường BĐS, có thể nói Nghị quyết 02/NQ - CP là một “liều thuốc” hiệu quả để hỗ trợ, góp phần vực dậy thị trường. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh đánh giá: “Không có chính sách nào tốt hơn Nghị quyết 02 của Chính phủ đã ban hành”. Do vậy, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, để thị trường tiếp tục có những chuyển biến tích cực thì tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết 02, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng phải là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014. Bên cạnh đó, cần khôi phục niềm tin cho người dân, có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để các doanh nghiệp “giữ đúng lời hứa” với khách hàng.
Mới đây, tờ The New York Times (Mỹ) đưa ra nhận định, BĐS Việt Nam đã thoát đáy khi có các dấu hiệu hồi phục của kinh tế vĩ mô và cam kết của Chính phủ cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Nếu Việt Nam hoàn tất ký kết Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), thị trường BĐS sẽ có cơ hội ấm lên.
“Muốn lấy được niềm tin, cần các giải pháp tổng thể. Việc ban hành và thực thi chính sách cần được giám sát. Giải pháp cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam cũng hợp lý, giúp tăng dòng vốn. Về phía các DN, cần phải cầu thị, lấy lại niềm tin của khách hàng bằng hành động cụ thể”, TS Nguyễn Minh Ngọc, Phó trưởng khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, ĐH Kinh tế quốc dân, nói.
Theo GS Đặng Hùng Võ, để phục hồi thị trường BĐS, phải trông chờ vào sức nóng của nền kinh tế, cụ thể việc cải tổ hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ... Tuy nhiên, tiến trình này đang diễn ra khá chậm. Việc tạo được một thị trường BĐS Việt Nam ổn định, bền vững còn phụ thuộc rất nhiều vào việc phòng chống tham nhũng trong quản lý đất đai. Giá BĐS trước đây quá cao vì phải chứa một phần giá trị bị tham nhũng.
Ngay giữa hai thị trường BĐS phía Bắc và phía Nam cũng có những đặc thù riêng cần giải quyết. Trong khi thị trường BĐS ở phía Nam sử dụng vốn vay ở ngân hàng thương mại nhiều hơn thì thị trường BĐS phía Bắc lại sử dụng vốn huy động từ người tiêu dùng nhiều hơn. Vì vậy, các nhà đầu tư BĐS phía Nam phải đối mặt với việc giải quyết nợ xấu căng thẳng hơn các nhà đầu tư phía Bắc. “Giải pháp cho thị trường BĐS phía Nam phụ thuộc rất lớn vào kho BĐS tồn đọng gắn với nợ xấu hiện nay. Chính phủ đã quyết định thành lập công ty xử lý nợ xấu VAMC, hy vọng công ty này sẽ hoạt động tích cực trong năm tới”, GS Võ nhận định.
Thực tế, tình hình kinh tế trong năm 2013 còn nhiều khó khăn, điều đó có thể dễ dàng thấy được từ sức mua tiêu dùng khá yếu ớt của người dân trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, các dự án đang được xây dựng còn chứa đựng những nguy cơ tiềm ẩn từ những biến động về vật giá, nhân công, lãi suất... Do đó, thị trường BĐS vẫn rất cần sự can thiệp kịp thời bằng luật, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước. Ngoài ra, cải thiện thủ tục hành chính trong triển khai luật, chính sách là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự hồi phục của thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam:
Thị trường BĐS vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn nhưng không phải vì thế mà thiếu triển vọng. Thị trường đang có những chuyển động tích cực nhờ các yếu tố điều chỉnh về giá, cơ cấu sản phẩm, nguồn vốn đầu tư và tổ chức thực hiện. Các dự án đang hướng tới nhu cầu thực, đưa ra sản phẩm sát thực tế, điều chỉnh giá bán thậm chí gần mức chi phí đầu tư; nhờ đó tạo được sức hút, niềm tin với người tiêu dùng, giúp giao dịch tăng trở lại. Mặt khác, tình hình kinh tế vĩ mô đang hồi phục, lạm phát được hạn chế cũng là những tác động tích cực cho sự phát triển và ổn định của thị trường BĐS. Tôi tin năm 2014, thị trường sẽ có triển vọng phục hồi.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường:
Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh BĐS vẫn có tâm lý chờ đợi sự hồi phục trở lại của thị trường BĐS theo dạng thức “bong bóng”. Đây là điều đáng quan ngại cho thị trường. Tuy nhiên, thị trường BĐS sẽ không lặp lại những cơn sốt trước đây. Các cơn sốt trước đây có nguồn cơn từ việc không có những cơ chế kiểm soát đầu cơ, tích trữ tiền tiết kiệm vào nhà ở. Đến nay, chắc chắn chúng ta đã trải qua giai đoạn đầu khi chuyển sang cơ chế thị trường. Nếu có sốt nhà đất trong tương lai thì đó là hình thái khác chứ không lặp lại những kịch bản cũ.
Ông Trần Đình Huy, Giám đốc phát triển dự án, Công ty CP Tấc đất tấc vàng:
Thị trường BĐS cuối năm nay đã có dấu hiệu ấm dần lên. Các doanh nghiệp đã đưa ra các sản phẩm phù hợp với thị trường, đa dạng hình thức bán hàng và hỗ trợ khách hàng, linh hoạt hình thức thanh toán, thậm chí cho mua sản phẩm BĐS dưới hình thức trả chậm, nhận nhà trước trả tiền sau... Với những biện pháp đó, thanh khoản thị trường đã được cải thiện đáng kể. Nếu các chủ đầu tư giữ được môi trường hoạt động minh bạch, chú trọng lợi ích khách hàng thì sẽ góp phần giúp thị trường trở lại ổn định vào năm 2014.
DiaOcOnline.vn - Theo Tin Tức