Từng gây sốt trên thị trường BĐS sau khi được sáp nhập về Hà Nội, nhưng sau 5 năm được phê duyệt, BĐS Mê Linh hoàn toàn bất động. Các khu đô thị nơi đây vẫn là những bãi đất hoang dùng để chăn thả trâu bò và những ngôi nhà xây thô để hoang cho cỏ mọc.
>> Cận cảnh thị trường (B1): Từ Liêm chưa đổi vận khi lên quận
Bất động
Với 50 dự án trên địa bàn, Mê Linh từng được xếp vào vùng trọng điểm trên bản đồ BĐS Hà Nội. Nơi có nhiều dự án nhất là xã Tiền Phong, với khoảng 20 dự án nhà ở, khu đô thị. Các dự án tiêu biểu như khu đô thị Minh Giang - Đầm Và, Tiền Phong, Phúc Việt, Hà Phong, River land, AIC, Chi Đông, Diamond Park New... tạo thành chuỗi các đô thị nằm giữa vành đai 3 và 4. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay các dự án đình đám trên đều đang trong tình trạng bỏ hoang, chưa giải phóng mặt bằng (GPMB).
Điển hình như khu đô thị mới Hà Phong do CTCP Hà Phong làm chủ đầu tư có tổng diện tích 41,8ha. Dự án đã có cơ sở hạ tầng và một số chủ đất đang xây dựng nhà ở thấp tầng sinh sống tại đây, tuy nhiên số lượng rất ít so với vài trăm nền đất đang bỏ hoang. Tình cảnh tương tự có thể thấy tại khu biệt thự Minh Giang - Đầm Và. Dự án này đến nay vẫn là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm và được người dân chăn thả trâu bò.
Trong khi đó, tại dự án Diamond Park New người dân vẫn tiếp tục canh tác trên những ruộng rau. Điều đáng nói, cách đây 4-5 năm, những dự án này đều gây sốt trên thị trường BĐS. Thời điểm đó, giá đất tăng vọt từng ngày, thậm chí lên tới hàng chục triệu đồng/m2, gấp gần 10 lần so với trước.
Cùng với hàng loạt dự án đình đám đang để hoang cho cỏ mọc, nhiều chủ đầu tư cũng đã âm thầm biến mất. Theo thống kê của Ban GPMB huyện Mê Linh, hiện trên địa bàn có khoảng 50 dự án của 47 chủ đầu tư, với tổng diện tích đất lên đến 14.394ha. Tuy nhiên, có tới 49 dự án chưa hoàn thành xong GPMB.
Hầu hết dự án đều được phê duyệt trước thời điểm 1-8-2008 (thời điểm huyện Mê Linh sáp nhập Hà Nội). Còn ở thời điểm hiện nay, tại những dự án đó, người dân vẫn đang canh tác hoa mầu, trồng hoa. Thậm chí, trước yêu cầu rà soát lại các dự án trên địa bàn của UBND TP Hà Nội, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Mê Linh cho biết địa phương mới nhận được báo cáo của 16/26 đơn vị được yêu cầu. Đặc biệt, nhiều chủ đầu tư bỗng dưng mất tích, không thể liên lạc qua điện thoại, trong khi trụ sở doanh nghiệp cũng không còn.
Theo báo cáo thị trường BĐS của Savills Việt Nam, nhiều dự án biệt thự, nhà liền kề tại khu vực Mê Linh gần như đóng băng và trong thời gian tới, về cơ bản chưa có chuyển biến tích cực. Lý giải điều này, đại diện Savill cho biết trong bối cảnh chung như hiện nay, khi nguồn cầu của thị trường là những người mua để sử dụng hoặc cho thuê, BĐS Mê Linh hoàn toàn không phải là địa điểm được lựa chọn do những bất lợi cả về mức độ phát triển cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật cũng như các vấn đề liên quan tiến độ pháp lý. Đây là lý do chính khiến thị trường BĐS Mê Linh gần như đóng băng trong thời gian qua.
Nhà đầu tư ôm hận
Trên thực tế, cách đây 4-5 năm giới đầu tư đổ về Mê Linh với kỳ vọng đây sẽ là khu vực tiềm năng cho những nhà đầu tư đi trước đón đầu, bởi giá đất ở phía Tây Hà Nội đã đắt tới đỉnh điểm do hệ thống hạ tầng khu vực cầu Thăng Long - Nội Bài đang ngày càng cải thiện và giá rất hấp dẫn. Nhưng đến nay, thay vào đó là sự thất vọng cũng đã đến đáy.
Ngoài việc không có giao dịch, bán rẻ cũng không ai mua bởi các khu đô thị ở đây chưa GPMB, chưa có hạ tầng kết nối, nhiều nhà đầu tư còn lâm vào tình cảnh muốn “bắt vạ” cũng không biết bắt ai bởi nhiều chủ đầu tư đã biến mất. Trong khi đó, dù dự án bị bỏ hoang nhưng trên thực tế từ năm 2009, khi đang tiến hành GPMB, nhiều chủ đầu tư đã thực hiện việc huy động vốn của khách hàng, trong đó mức trung bình 1-3 tỷ đồng/lô đất nhà liền kề, biệt thự.
Nhà đất Mê Linh đóng băng. Ảnh: H.Trâm
|