Sáng qua (27-3), tại thị trấn Cần Thạnh, Ban Kinh tế và Ngân sách, HĐND TP có buổi giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách của huyện Cần Giờ năm 2008 và kế hoạch của năm 2009.
Theo ông Đoàn Văn Hiệp, Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Cần Giờ, trong năm 2008, huyện đã thực hiện gần 220 công trình hạ tầng thuộc các lĩnh vực giao thông, giáo dục, xã hội, thủy lợi, phòng chống bão lụt... với tiến độ giải ngân đạt 64%-80%. Các công trình tiêu biểu như đường chính về các xã Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông, Lý Nhơn, đường trục Rừng Sác (giai đoạn 1)... đã tạo điều kiện đi lại thuận lợi hơn, thúc đẩy thu hút đầu tư vào huyện và đời sống, xã hội của nhân dân được nâng lên...
Tuy nhiên, theo ông Hiệp, do huyện ở xa, cách trở, các công trình nhỏ, lẻ chiếm đa số nên các đơn vị tư vấn, thi công có năng lực trên TP ngán ngại tham gia. Mặt khác, chủ đầu tư một số dự án còn yếu nên lựa chọn đơn vị tư vấn thiếu năng lực, nhà thầu thi công yếu về tài chính... dẫn đến nhiều công trình bị kéo dài...
Ông Đoàn Văn Thành, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Cần Giờ đề nghị: Để sớm xóa đi tình trạng hạ tầng của huyện còn rất yếu kém, TP nên dành vốn ưu tiên cao hơn các nơi khác hoặc TP cho thực hiện cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng”. Cụ thể, cho phép huyện được bán những lô đất nhỏ, lẻ, dạng “da beo” có diện tích dưới 1.000 m2 để có vốn đầu tư vào hạ tầng.
Ông Huỳnh Công Hùng, Phó Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP nhận định: Do đặc điểm của huyện là có nền đất yếu, đất và nước nhiễm mặn, phèn, lại chịu ảnh hưởng của gió bão nên suất đầu tư vào các công trình của huyện thường cao hơn. Tuy nhiên, huyện phải quản lý chặt việc đầu tư vào các công trình để vừa bền, an toàn và hiệu quả xã hội cao.
“Việc dự án cầu và đường trên tuyến Rừng Sác do hai chủ đầu tư riêng biệt thực hiện mà không có sự phối hợp đồng bộ, kéo dài nhiều năm gây lãng phí” - ông Hùng nói. Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách bày tỏ sự không đồng tình với việc nhiều chiếc cầu mới trên tuyến đường Rừng Sác được xây dựng đã lâu vẫn chưa xong và nay nhiều hạng mục trở nên... “rêu phong”.
Ông Dương Thành Hưng, Giám đốc Ban quản lý dự án Cần Giờ, đại diện chủ đầu tư tuyến đường Rừng Sác, thông tin rằng đến cuối năm 2009 sẽ hoàn thành xong ba làn đường mới. Còn các chủ đầu tư thuộc Sở GTVT cam kết tháng 6-2009 sẽ xong cầu Rạch Lá và Lôi Giang. Riêng cầu An Nghĩa phải cuối năm 2010 sẽ xong và đó cũng là lúc toàn tuyến đường hoàn thành thông sáu làn xe (rộng hơn 31 m). Ông Hưng cho biết Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) đã cam kết với huyện sẽ đặt tuyến ống cấp nước đường kính 600 mm ở bên phải tuyến đường xong trước khi thông xe sáu làn.
Theo đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc, trong những năm tới với điều kiện hạ tầng phát triển và hoàn thiện nhưng Cần Giờ vẫn là nơi đất rộng, người thưa nên hiện nay đang có đề xuất, đất ở trên đầu người ở huyện là 80-120 m2, thay vì chỉ 50 m2/người như các nơi khác.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP