HĐND thành phố Hà Nội vừa thông qua ngày 19/4 Nghị quyết về kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006 - 2010). Theo đó, sẽ có 3.329 ha đất sản xuất nông nghiệp được chuyển sang đất phi nông nghiệp trong 2 năm tới, đưa diện tích chuyển đổi trong 5 năm lên gần 6.000 ha. Dự kiến các nguồn thu từ đất năm 2009 và 2010 sẽ lên đến trên 12.000 tỷ đồng.
Thông qua Nghị quyết nhưng HĐND Hà Nội yêu cầu UBND tính toán kỹ để hạn chế thấp nhất việc lấy mất tư liệu sản xuất của nông dân ở ngoại thành.
"Không thể đưa đô thị lên Sóc Sơn"
Ban Kinh tế và Ngân sách của HĐND đề nghị UBND thành phố xem xét chuyển bớt các dự án phát triển đô thị, công nghiệp và dịch vụ đến các vùng đất đồi gò, đất bạc màu. Theo Phó Ban Nguyễn Hoài Nam, điều này sẽ giúp các vùng này phát triển, đồng thời đảm bảo tiết kiệm đất cho sản xuất nông nghiệp.
Đại biểu lớn tuổi Ngô Văn Ny cho rằng, phải cân nhắc rất kỹ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. "Mất cả nghìn năm mới có được đất "bờ xôi ruộng mật", trong khi đến 2025 ta sẽ có trên 100 triệu dân, hiện đã có hơn 100 nước thiếu lương thực nghiêm trọng". Theo ông Ny, nên để lại sau khi hợp nhất với Hà Tây sẽ thông qua kế hoạch sử dụng đất tổng thể.
Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Vũ Văn Hậu chống chế: "Hiện thành phố đã hạn chế cho phép xây đô thị mới trên đất nông nghiệp rồi".
Phó Chủ tịch HĐND Lê Quang Nhuệ, người từng làm Bí thư huyện nông nghiệp Sóc Sơn có cái nhìn thực tế hơn: "Không còn cách nào khác là phải lấy đất nông nghiệp thôi. Lấy đất đô thị dân đang ở chắc cũng khó". Tuy nhiên, ông Nhuệ thắc mắc: "Không hiểu UBND có dựa trên kế hoạch phát triển kinh tế nói chung hay là ngồi nghĩ ra diện tích phải chuyển đổi này?"
Một vấn đề lớn khác khiến HĐND băn khoăn là ở kỳ trước (2001 - 2005), tỷ lệ đất sử dụng cho sản xuất kinh doanh, xây trụ sở cơ quan đều vượt kế hoạch, trong khi đất dành cho giao thông, hạ tầng xã hội: trường học, nhà văn hóa... đều đạt thấp, chỉ xấp xỉ một nửa chỉ tiêu đề ra.
Ông Lê Quang Nhuệ than: "Nếu cứ thế này thì giáo dục, văn hóa mãi mãi đi chậm hơn các dự án kinh tế sinh lời. Bao giờ lợi ích nhân dân được đặt cao nhất thì phát triển kinh tế - xã hội mới bền vững được".
Ông Nhuệ cho rằng, Hà Nội cần cương quyết giữ đất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và xây đô thị mới "phải bám sát những vùng đất đồi, gò không canh tác được". "Bên Đài Loan còn phải hót đất phù sa cải tạo từng hốc đá, đồi, gò, bao giờ ta phải làm thế mới biết quý từng tấc đất màu mỡ nông nghiệp của ta".
Đáp lại băn khoăn của HĐND, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo nói: "Kế hoạch sử dụng đất phải dựa trên quy hoạch chung. Không thể đưa đô thị lên Sóc Sơn được, vì đô thị là một cơ thể thống nhất. Nếu chuyển được thì đã xây đô thị ở Xuân Hòa, Xuân Mai từ cách đây mấy chục năm rồi".
"Phải lấy đất nông nghiệp, vấn đề là sử dụng đất nông nghiệp này như thế nào cho hiệu quả. Chúng ta phải tính toán làm sao nâng cao hệ số sử dụng đất lên". Ông Thảo lấy ví dụ, lấy đất nông nghiệp không phải để xây nhà biệt thự, nhà thấp tầng mà phải là nhà chung cư cao tầng, như thế chính là nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Trước khi bế mạc kỳ họp thứ 13, HĐND Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về sắp xếp tổ chức, bộ máy hành chính của thành phố. Theo đó, số lượng các sở, ngành giảm từ 25 xuống còn 19, nhờ sáp nhập các sở liên ngành, đúng như tiến độ mà Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn đã yêu cầu trong buổi giao ban mới đây giữa Thường trực Chính phủ và Hà Nội.
Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo cho biết thành phố sẽ thành lập Công ty Đầu tư tài chính nhằm siết chặt quản lý, kinh doanh tài sản công. Sau khi mở rộng Hà Nội, hợp nhất các sở ngành... trụ sở, xe công dôi dư sẽ giao công ty này kinh doanh, đấu giá.
Đồng thời, ông Thảo cho hay hợp nhất Hà Nội với Hà Tây sẽ cho phép giãn một số công sở ra xa trung tâm để giảm ùn tắc giao thông: "Chúng tôi sẽ tận dụng một số trụ sở của các sở, ngành của Hà Tây hiện nay. Không phải các sở sau khi hợp nhất đều chuyển về trung tâm Hà Nội".