Top

Đất sử dụng theo kế hoạch mới đạt trên 50%

Cập nhật 19/04/2008 16:00

Những nội dung đáng quan tâm nhất tại ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 13 HĐND Thành phố khóa XIII sáng nay, 19/4, là việc thông qua kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2006 - 2010) và điều chỉnh quy hoạch rừng huyện Sóc Sơn.

Mở đầu phiên họp buổi sáng, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh đọc tờ trình về kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2006-2010) để trình Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, UBND Thành phố đề nghị HĐND Thành phố thông qua, tổng diện tích là 6.409 ha, phù hợp với chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đến năm 2010 đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó kế hoạch sử dụng đất các năm 2006, 2007, 2008 đã được HĐND thành phố thông qua với tổng diện tích là 3.462 ha, kế hoạch sử dụng đất năm 2009 và 2010 là 2.947 ha. Cụ thể, năm 2009 sử dụng 1.849 ha, trong đó, đất ở là 287 ha, đất chuyên dùng 1.362 ha và 200 ha quỹ đất dự phòng cho mục đích đất ở, đất phát triển đô thị, công nghiệp giao thông. Dự kiến nguồn thu từ đất là 5.713 tỷ đồng. Năm 2010, sử dụng 1900 ha, trong đó, đất ở 198 ha, đất chuyên dùng 1.592 ha và 200 quỹ đất dự phòng.

Theo báo cáo thẩm tra do ông Nguyễn Văn Nam, Ban Kinh tế ngân sách của HĐND Thành phố trình bày, trước đây, kế hoạch sử dụng đất thực hiện được rất thấp, chỉ trên 50%, các chỉ tiêu về đất giao thông và giáo dục đạt chưa tới 60%, mất cân đối nghiêm trọng. Lý do là một số chỉ tiêu sử dụng đất kỳ đầu vượt kế hoạch, tính khả thi của kế hoạch sử dụng đất 2006 - 2010 quá lớn so với kế hoạch kỳ đầu. Sắp tới, khi Hà Tây và một số địa phương khác sáp nhập về Hà Nội thì kế hoạch sử dụng đất cũng phải được cân đối lại cho phù hợp. Hiện Hà Tây đã thông qua kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 rồi. Hà Nội cũng phải có kế hoạch thì UBND Thành phố mới có thể điều hành được, nếu không, sẽ vi phạm quy định về điều hành kinh tế.

Giải đáp băn khoăn về việc kế hoạch sử dụng đất đề ra lớn, nhưng khối lượng thực hiện chỉ đạt trên 50%, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Vũ Văn Hậu cho biết, điều này là hoàn toàn bình thường. Hàng năm, Thành phố đều có thống kê tổng hợp nhu cầu sử dụng đất của các quận huyện, tổng công ty lớn và dựa vào đây là một nguồn dữ liệu để xây dựng kế hoạch sử dụng đất. Do đó, kế hoạch sử dụng đất mang tính chất dự báo rất lớn.

Trước việc phát sinh việc sáp nhập Hà Tây và một số địa phương khác về Hà  Nội, đại biểu Ngô Văn Ny đề nghị chưa nên thông qua kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2006 - 2010, chờ đến khi hợp nhất thì thông qua tổng thể.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đức Biền lại đề xuất phải thông qua kế hoạch này, không nên chờ đợi và đến khi thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính của Hà Nội thì Thành phố sẽ điều chỉnh lại kế hoạch.

Đại biểu Lê Quang Nhuệ cho rằng, việc quy hoạch sử dụng đất mục đích là xác định ổn định diện tích đất nông nghiệp. Nếu chúng ta cứ tăng thêm diện tích đất sử dụng, thì sẽ thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Đại biểu Nhuệ băn khoăn về tính khả thi của kế hoạch sử dụng đất này (tính khoa học, thực tiễn của kế hoạch). Ông cho rằng, những dự án xây dựng vì lợi ích công cộng, nhân dân phải được đẩy nhanh hơn các dự án khác và kiên quyết duy trì diện tích đất nông nghiệp.

Đại biểu Lê Văn Hoạt chia sẻ những khó khăn trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong điều kiện biến động như hiện nay và ông cho rằng cần thiết phải thông qua kế hoạch này.

Đại biểu Trần Văn Thanh cũng nhất trí việc thông qua kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2006 - 2010 là cần thiết vì đây là cơ sở để các quận, huyện sử dụng đất để phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng.... Việc sử dụng đất không đạt kế hoạch là có nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, trong đó có một phần nguyên nhân là do thị trường bất động sản năm qua “đóng băng”.

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, Nghị quyết về kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2006 - 2010) đã được các đại biểu HĐND Thành phố thông qua với tỷ lệ 100% tán thành.

Tiếp đó, Tờ trình về việc tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các quận, huyện theo Nghị định số 13/2008/NĐ-CP và Nghị định số 14/2008/NĐ-CP của UBND Thành phố cũng đã được các đại biểu HĐND Thành phố thông qua với sự nhất trí cao.

Theo đó, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Hà Nội gồm 17 sở và 2 cơ quan tương đương sở. Cụ thể: Sở Nội vụ; Sở Tư pháp; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Giao thông Vận tải; Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên Môi trường; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Sở Ngoại vụ; Sở Quy hoạch – Kiến trúc; Thanh tra Thành phố; Văn phòng ủy ban nhân dân.

Nghị quyết Điều chỉnh quy hoạch rừng huyện Sóc Sơn

Quy hoạch toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp huyện Sóc Sơn thành rừng phòng hộ bảo vệ môi trường với tổng diện tích 4.557 ha. Trong đó, diện tích đất có rừng là 4.360,4 ha, diện tích đất không có rừng là 191,1 ha, diện tích đất vườn ươm cây giống là 5,5 ha.

Quy hoạch năm khu chức năng rừng kết hợp với phát triển du lịch, dịch vụ. Đó là, khu du lịch văn hóa kết hợp nghỉ cuối tuần Đền Sóc (Đền Gióng), với diện tích 274,8 ha. Khu vui chơi, giải trí, du lịch sinh thái và nghỉ cuối tuần Hồ Đồng Đò, xã Minh Trí, diện tích 191 ha. Làng sinh thái, du lịch và nghỉ cuối tuần Minh Phú, diện tích 389,7 ha. Khu du lịch sinh thái và nghỉ cuối tuần Hồ Hoa Sơn, Hồ Hàm Lợn, xã Nam Sơn, diện tích 100,6 ha. Khu Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn, xã Tiên Dược, diện tích 12,1 ha.



Cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện gồm 10 phòng và 2 cơ quan tương đương phòng. Cụ thể: Phòng Nội vụ; Phòng Tư pháp; Phòng Tài chính – Kế hoạch; Phòng Tài nguyên và Môi trường; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; Phòng Văn hóa và Thông tin; Phòng Giáo dục và Đào tạo; Phòng Y tế; Phòng Quản lý đô thị; Phòng Kinh tế; Thanh tra quận (huyện); Văn phòng HĐND và UBND.

Thành phố cũng quyết định giải thể và điều chuyển chức năng, nhiệm vụ của ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Thành phố; ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em quận, huyện.

Tờ trình về bầu bổ sung chức danh ủy viên UBND Thành phố với ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh văn phòng UBND Thành phố, đã được 85,6% tổng số đại biểu HĐND Thành phố bỏ phiếu tán thành.

Việc miễn nhiệm chức danh ủy viên UBND Thành phố với bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, cũng được các đại biểu biểu quyết thông qua với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành.

Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo làm rõ thêm một số điểm trong các đề án mà UBND Thành phố đã trình xin ý kiến HĐND Thành phố.

Về đề án hỗ trợ ổn định đời sống, dạy nghề và tạo việc làm cho nông dân bị thu hồi đất, Chủ tịch cho biết để nông dân có đời sống tốt hơn khi thu hồi đất, Nhà nước và Thành phố đã thực hiện nhiều chế độ chính sách hỗ trợ, giúp người dân ổn định đời sống. Đề án lần này đã đưa ra những chính sách ngoài quy định của Nhà nước. Các chính sách tuy chưa đầy đủ nhưng góp phần giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc nhất. Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung các chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác, đảm bảo cuộc sống tối thiểu là bằng cuộc sống hiện tại cho người dân.

Về việc Việt Nam là thành viên của WTO điều này mở ra cơ hội nhưng cũng đặt ra cho Thành phố yêu cầu về nâng cao năng lực cạnh tranh trên cả 3 mảng: doanh nghiệp, sản phẩm và vùng. Muốn vậy Thành phố cần phải có chiến lược và cơ chế chính sách để nâng cao chỉ số cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, thiết lập các sản phẩm chủ lực, doanh nghiệp mũi nhọn, có lợi thế cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế...

Đánh giá về sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô trong Quý I/2008, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo nhận định, mặc dù phải đối mặt với nhiều điều kiện khó khăn nhưng trong quý I, kinh tế Hà Nội vẫn tiếp tục tăng trưởng khá với mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 6 năm qua (đạt 10,7%). Tuy nhiên, Hà Nội cũng đang phải đối mặt với các thách thức: mức tăng giá 3 tháng đầu năm là 9,33%, cao hơn mức trung bình cả nước (9,11%); nhập siêu 3 tỷ USD; giá trị sản xuất công nghiệp có dấu hiệu tăng chậm lại; đời sống nhân dân ở bộ phận làm công ăn lương tiếp tục khó khăn - dịch bệnh tái phát ảnh hưởng đến môi trường đầu tư...

Trong bối cảnh đó, Hà Nội vẫn quyết tâm giữ vững chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế như kế hoạch đề ra, đồng thời kiềm chế lạm phát bằng những giải pháp lớn: tạo điều kiện về vốn; rà soát các ngành, lĩnh vực để xem xét điều chỉnh kế hoạch; rà soát các danh mục đầu tư xây dựng, tạm dừng và giãn tiến độ các dự án chưa bức thiết, tập trung vốn cho các công trình trọng điểm, sắp hoàn thành; tiết kiệm chi tiêu công (tiết kiệm 10% chi thường xuyên); tăng cường quản lý giá cả, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là cho các đối tượng bị ảnh hưởng lớn bởi lạm phát...

Bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh bày tỏ sự nhất trí cao của HĐND Thành phố với các giải pháp mà UBND Thành phố đã đưa ra và tin tưởng, Hà Nội sẽ hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, xã hội theo nghị quyết của HĐND Thành phố là không hạ chỉ tiêu tăng trưởng.

Theo Hà Nội Mới