Với lợi thế là một tỉnh cửa ngõ Tây Bắc, giáp thủ đô Hà Nội, lại có tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua 5 huyện: Lương Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thuỷ, Kim Bôi, Yên Thủy đã thực sự trở thành động lực phát triển cho các địa phương, nhất là đối với các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình.
Đây là một trong những động lực quan trọng tạo tiền đề giúp Hòa Bình thu hút các nhà đầu tư. Cùng với những cơ chế, chính sách ưu đãi thời gian qua Hòa Bình đã nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, từng bước xây dựng và hình thành các vùng kinh tế trọng điểm, các cụm, khu công nghiệp có quy mô lớn.
Năm 2006, Hòa Bình không còn “điểm trắng” về phát triển công nghiệp như trước. Những ngành nghề được Hòa Bình ưu tiên phát triển tập trung vào công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển công nghiệp điện tử, công nghiệp chế biến nông, lâm sản.....
Toàn cảnh Hòa Bình hôm nay
Ông Hoàng Văn Đức, Chánh văn phòng Tỉnh ủy cho biết, trên cơ sở Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2007 - 2010. Và xây dựng Đề án Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
Tỉnh đang hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung 10 khu công nghiệp của tỉnh vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Các khu công nghiệp này tập trung chủ yếu dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh và 2 huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn. Đây được coi là một bước đi vững chắc để đưa Hòa Bình trở thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2020.
Trên cơ sở chủ trương của tỉnh, các huyện, thành phố đã đẩy mạnh việc quy hoạch và xây dựng các cụm công nghiệp, bước đầu hình thành 2 khu công nghiệp có quy mô lớn là khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình) và khu công nghiệp huyện Lương Sơn.
Hiện có 16/17 cụm công nghiệp của các huyện, thành phố đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, khu công nghiệp Lương Sơn được mở rộng trên 200 ha, thu hút 12 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, trong đó có 2 dự án FDI với vốn đăng ký trên 312 tỷ đồng và 2,6 triệu USD, 2 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đến nay, tỉnh đã cấp phép cho 203 dự án, trong đó có 17 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký gần 13.000 tỷ đồng và trên 80 triệu USD. Dự kiến đầu năm 2009 sẽ có hàng trăm dự án đi vào hoạt động. Mục tiêu của tỉnh đề ra cho đến năm 2010 sẽ thu hút được từ 200 - 300 dự án với số vốn đầu tư từ 10.000 - 15.000 tỷ đồng và thu hút thêm từ 20 - 30 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với vốn đăng ký đầu tư từ 250 - 300 triệu USD.
Ông Hoàng Văn Nương, Chủ tịch UBND xã Thành Lập huyện Lương Sơn vui mừng nói: “Hiện nay trên địa bàn xã đã có 14 dự án đầu tư được triển khai và đăng ký với số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Có được kết quả như vậy là nhờ có đường Hồ Chí Minh (giai đoạn I) được hoàn thành, cùng với những cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thu hút các nhà đầu tư”.
Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi, Đinh Văn Dực cho biết thêm: Huyện đã chuẩn bị sẵn sàng để khai thác tiềm năng thế mạnh của mình bằng cách xây dựng quy hoạch tập trung cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trên trục đường 21 và đường Hồ Chí Minh.
Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án khả thi 2 cụm công nghiệp của huyện, một ở xã Cao Thắng, một ở xã Thanh Nông. Huyện còn có lợi thế là vùng nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng, có nguồn đất sét đá vôi chất lượng tốt dùng sản xuất gốm, sứ, gạch, xi măng... Đây cũng là vùng trũng nên có lợi thế phát triển thuỷ sản, du lịch dịch vụ.
Đó là những tiềm năng để chúng tôi thu hút các nhà đầu tư. Có thể nói, cái được lớn nhất và nhìn thấy rõ nhất khi có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Chính tuyến đường này đã trở thành một trong những nguồn lực để thu hút các nhà đầu tư.
Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có văn bản thống nhất với Đề án Quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020. Theo Bộ Xây dựng, Hòa Bình có vị trí chiến lược quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Tây Bắc (Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu), là một trong những hành lang được Chính phủ có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển.
Đặc biệt, Hoà Bình địa phương giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, trung tâm KT-XH của cả nước. Bộ Xây dựng cũng có ý kiến chỉ đạo Việc lập Quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 phải gắn kết với những định hướng lớn của Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Có thể nói cùng với tuyến QL6, QL12B, tuyến đường Hồ Chí Minh (QL21 hiện có), là hệ thống giao thông quan trọng và là động lực cho tỉnh Hòa Bình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình tự nhiên không thuận lợi cho việc xây dựng các khu công nghiệp có qui mô lớn.
Vì vậy, tỉnh cần cân nhắc lựa chọn địa điểm, loại hình và quy mô các khu công nghiệp đảm bảo tính khả thi về thu hút nhà đầu tư vào sản xuất kinh doanh nhưng phải lưu ý tới vấn đề môi trường, giảm thiểu tác động xấu tới cảnh quan, sinh thái, có giải pháp cụ thể đảm bảo ổn định đời sống của đồng bào dân tộc trong việc thu hồi đất xây dựng khu công nghiệp.
Đặc biệt, là việc quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình phải gắn với quy hoạch xây dựng Thủ đô để đảm bảo sự phát triển bền vững mang tầm chiến lược.
Hy vọng với những tiềm năng và thế mạnh của mình và được sự quan tâm của các cấp, ngành; thời gian tới Hòa Bình xứng đáng là “một thành phố trẻ” năng động ở cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng