Top

TP.HCM: sẽ mọc thêm cả trăm “lô cốt”!

Cập nhật 05/02/2009 08:15

Một số “lô cốt” tháo dỡ dịp tết sẽ dựng lại, “lô cốt” mới tiếp tục mọc lên. Do vậy năm 2009 “lô cốt” vẫn xuất hiện trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM.

Trước Tết Kỷ Sửu, TP.HCM chỉ còn 56 “lô cốt” chiếm dụng mặt đường. Nhưng từ nay đến cuối năm sẽ đào thêm 80 tuyến đường với tổng chiều dài 60km, tăng gần gấp đôi năm trước và ít nhất có 96 “lô cốt” sẽ mọc lên.

Nơi khởi động, nơi im lìm

Trên đường Lạc Long Quân thuộc P.5, Q.11 hiện còn hai “lô cốt” án ngữ một làn đường. Mỗi “lô cốt” dài vài chục mét đóng cửa im lìm, không thấy thi công. Tương tự trên đường Nguyễn Văn Luông (Q.6), một “lô cốt” dài khoảng 60m cũng cửa đóng then cài. Một người dân ở đây cho biết “lô cốt” này đã đóng cửa từ trước Tết Nguyên đán đến hôm nay (ngày 4-2) vẫn chưa thấy thi công trở lại.

Trong khi đó các công trình thuộc gói thầu C, D ở dự án cải thiện môi trường nước TP đã bắt đầu thi công. Ông Nguyễn Anh Sơn, chỉ huy trưởng công trình (hạng mục kích ống ngầm) trên đường Trần Tuấn Khải (Q.5), cho biết công trình cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn hai đoạn “lô cốt” dài chưa đến 100m.

“Chúng tôi đã triển khai làm từ mồng 6, chậm lắm đến giữa tháng 3-2009 công trình sẽ hoàn thành và tháo dỡ hàng rào” - ông Sơn cho biết. Cách đó không xa, một “lô cốt” trên đường Nguyễn Biểu (P.1, Q.5) thuộc gói thầu C vừa mọc dài thêm một đoạn gần 50m. “Lô cốt” mọc dài hơn khiến nhiều tiểu thương hai bên đường này lo lắng vì bị che khuất mặt tiền, buôn bán ế ẩm.

Theo Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TP, trong năm 2009 có thêm 12 tuyến đường thuộc các quận ven như Tân Bình, Tân Phú, Q.6 sẽ bị đào. Tổng chiều dài đường bị đào để dựng “lô cốt” khoảng 12km (tăng 20% so với năm 2008). Ông Trần Trung Hậu, trưởng phòng quản lý hạng mục 2 thuộc Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TP, cho rằng “với việc dời các hàng rào ra những khu vực vùng ven, tình trạng ùn tắc giao thông tại các khu vực trung tâm sẽ đỡ hơn”.

Ùn tắc giao thông tăng cao


Theo ông Dương Thanh Hùng - phó phòng kỹ thuật Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP.HCM - lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tối 4-2 bắt đầu rào chắn đường Lý Chính Thắng (đoạn gần đường Hai Bà Trưng, Q.3) để thi công lắp đặt tuyến cống thoát nước. Đồng thời trong vài ngày tới tiếp tục rào chắn đường Lê Văn Sỹ (đoạn từ đường Trần Quang Diệu đến cầu Lê Văn Sỹ, Q.3).

Tiếp đó ngày 10-2 sẽ rào chắn đường Cao Thắng (Q.3) để lắp đặt tuyến cống thoát nước và kế đến là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đoạn từ Điện Biên Phủ đến Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3). Đây là những tuyến đường hẹp, có mật độ xe lưu thông rất lớn nên khả năng ùn tắc giao thông sẽ tăng cao.

Tình trạng ùn tắc giao thông sẽ còn tăng cao hơn khi dự án vệ sinh môi trường TP cho đào hai tuyến đường Lê Văn Sỹ (đoạn từ Trần Quang Diệu đến Hoàng Văn Thụ - giao lộ Lăng Cha Cả) và đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3-Q.Tân Bình) đang thường xuyên bị ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Trước tình hình trên, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP chỉ đạo chỉ cho phép thi công đường Cách Mạng Tháng Tám nếu như hoàn tất thi công tuyến đường ven kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè hoặc chỉ cho đào đường Lê Văn Sỹ, đường Phan Đình Phùng khi đã tháo bỏ rào chắn thi công đường Nguyễn Văn Trỗi-Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Tuy nhiên Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP cho biết đến cuối tháng 8-2009 mới tháo dỡ “lô cốt” trên đường Nguyễn Văn Trỗi-Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đến cuối năm 2009 mới hoàn tất tháo dỡ “lô cốt” trên đường ven kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Lúc đó không còn đủ thời gian thi công lắp đặt tuyến cống thoát nước trên đường Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng Tám và Phan Đình Phùng vì đến cuối tháng 12-2009 kết thúc hiệp định vay vốn Ngân hàng Thế giới cho dự án vệ sinh môi trường TP. Nếu công trình chậm trễ sẽ bị thiệt hại rất lớn là không sử dụng được nguồn vốn vay ưu đãi và công trình bị dở dang vì hệ thống thoát nước không kết nối được với nhau.

Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP cho biết sẽ kiến nghị UBND TP có cơ chế đặc biệt đối với các công trình đào đường để đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là trong thời điểm mùa khô. Đồng thời kiến nghị Sở GTVT hỗ trợ phân luồng giao thông khu vực đường có rào chắn và cấp phép đào đường một lần cho một tuyến đường, thay vì xin phép nhiều lần mất nhiều thời gian. Bởi vì tiến độ đào đường được đẩy nhanh, đồng nghĩa với việc giảm bớt ùn tắc giao thông trên tuyến đường.

“Lô cốt” đi qua, “ổ trâu” ở lại

Trước tết, các đơn vị đào đường đã tháo dỡ “lô cốt”, trả lại mặt đường cho giao thông. Tuy nhiên, đến nay trên nhiều tuyến đường mặt đường bị oằn lún, gợn sóng và có nơi để lại “ổ trâu” không bảo đảm an toàn giao thông. Cụ thể đường Điện Biên Phủ (Q.3) mặt đường bị lún sụt nặng, trong khi các hố ga giữa đường nhô cao 5-10cm như cái bẫy gây khó khăn cho người đi đường. Tương tự, trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ vòng xoay Hàng Xanh đến cầu Sơn, Q.Bình Thạnh) mặt đường oằn lún và có hai “ổ trâu” lớn khiến dòng xe lưu thông bị ùn ứ.

Ông Dương Thanh Hùng cho biết Ban quản lý dự án đang yêu cầu đơn vị tư vấn giám sát công trình rà soát các đoạn đường có “ổ trâu” để yêu cầu nhà thầu thi công tái lập ngay.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ