Top

Hiệu quả đầu tư dự án và nguy cơ tiềm ẩn

Cập nhật 07/12/2008 09:44

Tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí… đã và đang tác động mạnh tới hiệu quả đầu tư của nhiều dự án hiện nay, và nếu tình hình này không được cải thiện sẽ không chỉ ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư mà cả kêu gọi tài trợ, viện trợ.

Vốn đầu tư tăng nhưng hấp thụ vốn thấp

Theo báo cáo nghiên cứu đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2006 - 2010, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã nhận định: Mục tiêu kế hoạch về đầu tư cho 3 năm 2006 - 2008 chắc chắn sẽ hoàn thành vượt mức cả về tổng vốn đầu tư lẫn tính theo GDP. Điều này có nghĩa là nền kinh tế đang ngày càng dựa nhiều hơn vào đầu tư, chứ không dựa vào tăng thêm số người lao động, nâng cao năng suất để tăng trưởng.

Tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước vẫn là nguồn lực lớn nhất. Đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chiếm tỷ trọng tăng dần từ 23,3% lên 29,3% năm 2007.

Đáng chú ý là thời gian gần đây các tập đoàn kinh tế và nhiều DNNN khác có xu thế mở rộng đầu tư kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực. Trong khi đó, công tác giám sát, nhất là về tài chính cũng như năng lực quản trị rủi ro của các tập đoàn đó không theo kịp.

Một vấn đề dễ nhận thấy là tăng trưởng đầu tư trong thời gian gần đây chủ yếu dựa vào khu vực FDI. Kể từ năm 2006 đến nay, dòng FDI vào Việt Nam tăng đột biến, hàng năm luôn đạt kỷ lục so với các năm trước.

Năm 2007, FDI đăng ký đạt 21,3 tỷ USD, vậy mà riêng 9 tháng đầu năm 2008 con số này đã lên tới 57,1 tỷ USD, cao gấp 2,7 lần FDI cả năm 2007.

Tương tự, vốn FDI thực hiện năm 2007 đạt trên 129,3 nghìn tỷ VND, chiếm 24,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Vốn FDI thực hiện năm 2008 ước đạt 143 nghìn tỷ, cao hơn rất nhiều so với các năm trước.

Điều đáng nói là chính dòng vốn FDI tăng đột biến đã làm bộc lộ khả năng hấp thụ vốn chưa cao của nền kinh tế, mà chủ yếu là do yếu kém về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực có kỹ năng. Đây đang là những “nút thắt cổ chai” đối với việc triển khai các dự án FDI.

Vì sao hiệu quả đầu tư thấp?

Không khó để nhận ra rằng hiệu quả đầu tư các dự án hiện nay ở Việt Nam là thấp, đặc biệt là hiệu quả vốn đầu tư của khu vực nhà nước, trong khi đó khu vực này đang chiếm gần nửa tổng đầu tư toàn xã hội (41 - 46%).

Tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, sử dụng vốn kém hiệu quả, chậm tiến độ thi công hoặc nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản… chưa được cải thiện đáng kể.

Điều đó có nghĩa là để tạo ra cùng một năng lực sản xuất, nhà nước phải bỏ ra nhiều kinh phí hơn và nhập khẩu nhiều đầu vào cho đầu tư hơn. Hiệu quả thấp trong đầu tư công đã được xác định là một trong những lý do chủ yếu dẫn tới lạm phát cao trong hai năm qua.

Đối với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và ngoài nhà nước, các dự án đầu tư không hiệu quả là các dự án không tận dụng được lợi thế của nền kinh tế, không phù hợp với lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên đó là những yếu tố mang tính khách quan, còn yếu tố mang tính chủ quan của tình trạng yếu kém, thiếu hiệu quả trong đầu tư và xây dựng chủ yếu là do công tác quy hoạch, vấn đề phân cấp đầu tư và công tác quản lý, giám sát, thanh kiểm tra.

Bộ KH-ĐT cho biết, chất lượng công tác quy hoạch ở Việt Nam chưa cao, chưa có tầm nhìn dài hạn. Quy hoạch thường thiếu sự gắn kết giữa các ngành, chồng chéo và thiếu đồng bộ. Đặc biệt, lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch ở ta không liên quan đến nhau.

Trong phân cấp đầu tư thì năng lực quản lý của cơ quan được phân cấp, quyền gắn với trách nhiệm được phân cấp và chế tài kiểm tra giám sát là ba điều kiện tiên quyết để phân cấp quản lý đầu tư và xây dựng có hiệu quả thì đã bị xem nhẹ hoặc lãng quên. Cả khi trách nhiệm về việc ra quyết định phê duyệt dự án sai cũng ít khi bị truy cứu trách nhiệm và có biện pháp xử lý thích đáng.

Trong thời gian gần đây, phân cấp quản lý đầu tư làm nảy sinh xu hướng muốn thu hút nhiều vốn FDI hơn vì đó thường được coi là thành tích của địa phương, các tỉnh cũng kỳ vọng là các dự án sẽ đóng góp nhiều cho ngân sách tỉnh mình. Tuy nhiên, theo một con số được công bố trên báo chí, đến năm 2007, khoảng 70% nhà đầu tư ở TPHCM báo cáo lỗ.

Hiệu quả đầu tư thấp còn có nguyên nhân rất lớn từ phía công tác quản lý, thanh tra, giám sát trong đầu tư và xây dựng ở các ngành, các cấp rất yếu kém. Bộ KH-ĐT cũng thừa nhận rằng phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ quản lý đầu tư và xây dựng còn kém, thường lợi dụng những kẽ hở của cơ chế chính sách, lợi dụng chức quyền, vị trí công tác để trục lợi bất chính nhưng lại chưa được xử lý triệt để.

Rõ ràng, với tình trạng đó, chúng ta không thể kỳ vọng vẫn trở thành một nước có môi trường đầu tư tốt và kêu gọi được nhiều các nguồn tài trợ, viện trợ. Lời giải cho bài toán này có lẽ phải bắt đầu từ việc xem lại cơ chế chính sách trong quản lý đầu tư và tính nghiêm minh trong việc thực thi pháp luật.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí