Top

Hiểm hoạ từ các "siêu dự án"!

Cập nhật 17/12/2009 08:45

Hàng ngàn hộ dân đã phải ra đi để giao đất cho “siêu dự án” xây khu biệt thự cao cấp...

Vì đại đa số các "siêu dự án" còn trên giấy, chưa thấy lợi lộc ra sao; song trước mắt, ai cũng thấy rằng, khi các "siêu dự án" cùng đi vào triển khai, thì hiểm hoạ về môi sinh và môi trường đang hiển hiện từng ngày, đe doạ cuộc sống hàng vạn người dân.

Ở tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương, trong 3 năm trở lại đây, hàng loạt "siêu dự án" khu dân cư, khu đô thị... đã bùng phát, với mật độ dày đặc.

“Tay không” vẫn góp vốn xây khu đô thị

Đầu năm 2008, sự kiện Công ty TNHH Thiên Phú đầu tư vào 3 khu đô thị hiện đại gồm Hoà Lân, Mỹ Phước 4 và Cầu Đò khiến ai cũng kinh ngạc. Tổng diện tích cho xây dựng 3 khu đô thị trên là 150 ha, với vốn đầu tư giai đoạn 1 đã lên tới 250 triệu USD. Không biết Công ty Thiên Phú triển khai dự án (DA) tới đâu, chỉ biết rằng hiện nay, hình hài 3 khu đô thị mới vẫn còn... mờ mịt.

Trong lúc đó, người ta phát hiện ra trong quá trình góp vốn với 2 đối tác Hàn Quốc, Công ty này hoàn toàn không phải bỏ ra đồng nào, ngoài... giá trị quyền sử dụng đất được Nhà nước giao, tương đương giá trị 104 triệu USD. Trên thực tế, để giải phóng 150ha cho DA khu đô thị, Cty Thiên Phú còn phải giải phóng mặt bằng, không dễ dàng thu hồi đất từ người dân để mang đi góp vốn xây khu đô thị.

Trong một thống kê của tỉnh Bình Dương vào tháng 8.2008 cho thấy, tại 7 huyện - thị của tỉnh, hầu như huyện - thị nào cũng... “trăm hoa đua nở” DA khu dân cư. Ở huyện Dĩ An, trong số 36 DA đầu tư liên quan tới sử dụng đất, thì có tới 27 DA khu dân cư - đô thị.

Tương tự, ở huyện Thuận An, có 44 DA, thì DA khu đô thị - dân cư chiếm tới 37 DA. Tại thị xã Thủ Dầu Một, có 33 DA, thì gần như... 100% DA là vào khu dân cư, nhà ở. Tại huyện Bến Cát, có 39 DA, trong đó, DA khu đô thị chiếm tới 30 DA...

Một “siêu dự án” đô thị có thể nuốt chửng… một xã

Lùm xùm gần đây nhất là ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, một chuyên gia nhà đất cho rằng, chỉ với việc thực hiện “siêu DA” khu đô thị Long Thành (1.200ha) và “thành phố” Sơn Tiên (nuôi động vật hoang dã, khoảng 350ha), thì 2 xã Phước Tân và An Hoà có nguy cơ... xóa sổ trên bản đồ hành chính.

Bà Nguyễn Thị Mộng Huyền - bị DA “thành phố” Sơn Tiên thu hồi 13.000m2 đất lúa - bức xúc: “Chỉ với mỗi DA Sơn Tiên thôi đã nuốt trôi... 2/3 diện tích xã An Hoà. Lợi lộc chưa thấy đâu từ các DA trên, chỉ thấy hàng trăm hécta đất trồng lúa của người dân thuộc “cánh đồng Bà Phượng” bị DA xóa sổ; hàng chục hộ dân không có đất sản xuất...”.

Tại DA khu đô thị Long Thành, hàng trăm hécta đất ruộng của dân được thu hồi cho DA với cái giá đền bù rẻ mạt khoảng 11.000 – 70.000 đồng/m2, chủ đầu tư đã phân lô bán nền với giá 400 – 500USD/m2; đồng thời, xây hàng trăm căn biệt thự bán trục lợi trên 5 tỉ đồng/căn... Trong lúc đó, có không ít người dân bị mất đất, mất nhà, gặp bao khốn khó.

Mới đây, 27 hộ dân xã Phước Tân gửi đơn tố cáo chủ đầu tư khu đô thị Long Thành đã sai trái, dùng xe đổ đất lấp 159.574m2 đất trồng lúa của dân để lấy đất xây nhà ở bán, trong khi chưa có sự cho phép của Chính phủ.

Trong lúc DA khu đô thị Long Thành với diện tích 1.200ha, gần như... nuốt chửng xã Phước Tân, thì 2 “siêu DA” khác tầm cỡ không kém cũng đang bắt đầu thành hình, kề bên DA khu đô thị Long Thành. Đó là DA “khu đô thị công nghệ cao” (khoảng 1.950ha) và DA khu đô thị sinh thái Long Hưng (1.124ha). Có người cho rằng, một khi 3 “siêu DA” trên cùng triển khai, sẽ là mối nguy lớn cho đời sống của hàng chục ngàn dân huyện Long Thành. Người dân sẽ đi đâu, làm gì để sinh sống, khi mà hàng ngàn hécta đất buộc phải giao cho các “siêu DA”?

Không phải ngẫu nhiên, tại một công văn góp ý về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Đồng Nai, Bộ KHĐT đã cho rằng, ở tỉnh Đồng Nai, bình quân mỗi năm giảm 13.000ha đất nông nghiệp là quá cao, không phù hợp với chủ trương của Chính phủ là hạn chế giảm diện tích đất nông nghiệp.

Nói như ông Nguyễn Minh Hoà – Trưởng khoa Đô thị - Trường ĐH Khoa học – Xã hội – Nhân văn TPHCM: “Phải biết rằng, hình thành một khu đô thị trên sự “phá bỏ” nếp cũ làng, xã truyền thống của người dân là vô cùng hệ trọng. Vì vậy, phải đô thị hóa như thế nào để bảo đảm không ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng vạn hộ dân, không tác động xấu đến môi trường sinh thái, kinh tế - xã hội...
 

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động