Top

HĐND TP Hà Nội họp chuyên đề: Tìm nghề cho người mất đất

Cập nhật 18/04/2008 09:00

Tại phiên họp chuyên đề đầu tiên của HĐND TP Hà Nội sáng 17-4, Phó chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh nêu ra bốn giải pháp cấp bách hỗ trợ ổn định cuộc sống, đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Một là thành lập quĩ hỗ trợ ổn định đời sống, phổ cập giáo dục, học nghề và việc làm cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp. Nguồn vốn ban đầu cấp cho quĩ này là 50 tỉ đồng và hằng năm sẽ bổ sung. Đồng thời trích thêm 50% nguồn kinh phí hỗ trợ của các nhà đầu tư khi được giao đất để bổ sung cho quĩ.

Nguồn quĩ này sẽ hỗ trợ học phí và tiền đóng góp cơ sở vật chất trường học cho học sinh ở độ tuổi phổ cập phổ thông. Thời gian hỗ trợ là ba năm, nếu gia đình khó khăn sẽ tiếp tục hỗ trợ. Đồng thời trợ cấp khó khăn bằng cách hỗ trợ 100% kinh phí bảo hiểm y tế cho người từ 55-60 tuổi và trợ cấp cho người già có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn theo mức tương đương 30kg gạo/người/tháng. Riêng chi cho học nghề sẽ hỗ trợ kinh phí một lần cho người trong độ tuổi lao động, có nhu cầu học nghề bằng hình thức cấp thẻ học nghề, mức tối đa không quá 6 triệu đồng/thẻ.

Hai là lập, duyệt và tổ chức xây dựng các khu kinh doanh dịch vụ tạo thêm việc làm cho người bị thu hồi đất.

Giải pháp thứ ba sẽ khuyến khích người dân bị thu hồi đất tham gia cổ đông, góp vốn với các doanh nghiệp. Đồng thời có ngay phương án, kế hoạch đào tạo để chuyển đổi nghề thu hút lao động ngay khi có phương án giải phóng mặt bằng.

Bốn là có cơ chế đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn tại khu vực thu hồi nhiều đất và tạo điều kiện cho người mất đất kinh doanh dịch vụ tại các khu đô thị, khu công nghiệp.

Theo Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh, điểm yếu hiện nay là chưa có những cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện cho người lao động học nghề và chuyển nghề để ổn định cuộc sống. Năm ngoái, trong số 20.000 lao động bị thu hồi đất chỉ khoảng 5.000 lao động có nhu cầu học nghề.

Đại biểu Vũ Đức Tân cho rằng những giải pháp này đúng ra phải được thực hiện ngay từ khâu lập dự án. Quá trình làm dự án không tính kỹ nên cứ mang tiền đưa cho người thu hồi đất, để rồi cuộc sống của người dân lâm vào cảnh đất cứ mất mà nghề không có.

Các đại biểu đã thông qua nghị quyết lập quĩ hỗ trợ ổn định đời sống, giáo dục, đào tạo nghề cho người dân sau khi bị thu hồi đất và yêu cầu sớm triển khai. Nhiều đại biểu nhất trí chọn giải pháp phát thẻ học nghề trực tiếp cho lao động học việc.

Phó chủ tịch HĐND TP Lê Quang Nhuệ khẳng định đề án này mới chỉ là giải pháp ban đầu. Về lâu dài phải thấy được lộ trình thực hiện để lao động nông thôn và người bị thu hồi đất được chăm lo về cuộc sống, ổn định và tạo lập nghề mới. 

Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH hà nội Đỗ Thị Xuân Phương:

Buộc chủ đầu tư giải quyết việc làm

Qui định của TP nói rõ mỗi hecta đất giao cho chủ đầu tư phải giải quyết việc làm cho 10 lao động. Các chủ đầu tư cam kết và hứa hẹn nhưng không ít chủ đầu tư thất hứa và không làm tròn trách nhiệm như cam kết. Đây là điều khiến người dân bức xúc, các cơ quan quản lý cũng rất bức xúc. Sắp tới, ngoài cơ chế giám sát của HĐND, sẽ phải xây dựng cơ chế tổ chức ràng buộc chủ đầu tư thực hiện các cam kết.