Top

Hàng trăm dự án giao đất chậm triển khai

Cập nhật 19/02/2008 09:00

Hà Nội hiện có 79 dự án đã được giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư, với tổng diện tích 1.218ha, nhưng chậm triển khai công tác GPMB. Ngoài ra, trên địa bàn TP còn 54 dự án đã hoàn thành GPMB, nhưng chưa đưa đất vào sử dụng hoặc chậm so với tiến độ.

133 dự án chậm tiến độ

Điển hình của sự chậm trễ trong công tác GPMB là: Công viên Đống Đa; công viên Tuổi Trẻ; khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra); đường vành đai III... Kết quả kiểm  tra mới nhất của đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình thi hành Luật Đất đai của UBND TP.Hà Nội cho thấy, trên địa bàn TP hiện có  54 dự án mặc dù đã được giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư - với tổng diện tích lên tới 329,56ha đất, đã hoàn thành công tác GPMB - nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc chậm so với tiến độ.

Trong 54 dự án trên có 17 dự án không có khả năng triển khai tiếp, đề nghị làm thủ tục thu hồi đất theo quy định với tổng diện tích là 21.2634ha. Ngoài ra, có 2 dự án có quyết định thu hồi đất giao cho đơn vị khác thực hiện, với tổng diện tích 0,88ha...

Về nguyên nhân của sự chậm trễ - theo đánh giá của UBND TP.Hà Nội - do các chủ đầu tư chưa chuẩn bị đủ các thủ tục và điều kiện để khởi công xây dựng công trình theo dự án và quy hoạch được duyệt. Nguồn vốn của các chủ đầu tư - trong đó có cả một số dự án liên doanh với nước ngoài - không đảm bảo đủ năng lực tài chính để thực hiện theo đúng tiến độ.

Ngoài ra, có một số dự án đã đủ điều kiện khởi công, nhưng lại xin điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo hiệu quả đầu tư, phù hợp với nhu cầu sử dụng nên phải có thời gian điều chỉnh lại dự án, thiết kế cơ sở và giấy phép xây dựng, dẫn đến chậm triển khai theo tiến độ. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm, lúng túng trong việc phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác GPMB, làm chậm tiến độ dự án.

Về nguyên nhân khách quan, do Luật Đất đai, Luật Đầu tư mới ban hành nhiều chính sách quản lý về đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản, chính sách tài chính về đất đai có nhiều thay đổi, các dự án triển khai tại thời điểm này, nhất là các dự án lớn thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư qua hai thời điểm trước và sau Luật Đất đai có hiệu lực đã gặp rất nhiều khó khăn cho công tác GPMB.

Hàng năm, HN có khoảng trên 300 dự án cần GPMB với diện tích từ 800-1.000ha đất. Vì vậy, điều kiện để thực hiện chưa đáp ứng đầy đủ, thủ tục giải ngân cho đầu tư xây dựng quỹ nhà tái định cư còn nhiều vướng mắc. Quỹ nhà đất tái định cư chưa được chuẩn bị đầy đủ điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội...

Sẽ thu hồi nếu không thực hiện đúng thời hạn

Về biện pháp khắc phục các dự án chậm tiến độ, theo ông Đỗ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - đối với các dự án có quyết định thu hồi, giao đất, nhưng chậm GPMB, TP giao cho Sở TNMTNĐ phối hợp với UBND các quận, huyện ra thông báo đến các chủ dự án, trong thời gian 30 ngày phải có văn bản giải trình nguyên nhân.

Với các trường hợp không đủ năng lực thực hiện dự án thì đề nghị UBND TP xem xét chuyển chủ đầu tư khác có kinh nghiệm và năng lực hơn để thực hiện. Đối với các dự án có vướng mắc về cơ chế sách và các nguyên nhân khách quan, đề nghị cho phép giới hạn thời gian thực hiện, nhưng tối đa không quá 24 tháng. 

Đối với các dự án sau 12 tháng giao đất (đã hoàn thành GPMB, nghĩa vụ tài chính) mà không đưa đất vào sử dụng, nếu dự án không có khả năng triển khai tiếp, đủ điều kiện để xử lý, thu hồi đất, cơ quan chức năng của TP và UBND các quận, huyện lập hồ sơ, đề xuất xử lý, trình UBND TP thu hồi đất.

Các dự án còn lại, yêu cầu chủ đầu tư trong 30 ngày phải có báo cáo rõ nguyên nhân. Nếu nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm của các chủ đầu tư thì phải có văn bản cam kết lại về thời gian khởi công và hoàn thành công trình, các giải pháp cụ thể sớm đưa đất vào sử dụng. Trên cơ sở đó, các ngành, TP xem xét, nếu sau thời hạn từ 6 -12 tháng theo thời hạn đã cam kết, không triển khai sẽ kiên quyết xử lý trình UBND TP thu hồi đất, chuyển chủ đầu tư khác thực hiện.

Theo Lao Động