Top

Giá đất lên nhờ giáp ranh thành phố

Cập nhật 19/02/2008 08:00

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tiếp giáp với TP.HCM, Bến Lức (Long An) có gần 24.000 ha đất nông, lâm nghiệp nhưng trên 80% diện tích vừa nêu thuộc diện... "đã triển khai hoặc đang xin chủ trương đầu tư".

Mấy năm gần đây, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh thì giá đất nơi này cũng tăng đột biến. Tại các xã vùng giáp ranh TP.HCM như Phước Lợi, Mỹ Yên, Long Hiệp, mới hồi đầu năm 2007 giá đất ruộng còn ở mức 1,8 triệu đồng/m2 và đất thổ cư khoảng 3 triệu đồng/m2.

Hiện nay giá đất ruộng đã vọt lên 2,8 triệu đồng/m2 và đất thổ cư ven quốc lộ 1A có giá từ 5-6 triệu đồng/m2, nhưng muốn mua cũng không phải dễ. Ngay cả đất ruộng nằm sâu phía trong, cách xa quốc lộ, tỉnh lộ, giờ người dân cũng kêu giá tới 700 - 800 triệu đồng/ha. Giá đã cao ngất ngưởng như vậy nhưng gần đây, nghe tin có nhiều tập đoàn nước ngoài tới đầu tư, người dân đã ngưng bán đất.

Nhờ lợi thế giáp với các huyện Bình Chánh, Nhà Bè và quận 7 TP.HCM, xã Long Hậu (huyện Cần Giuộc) có diện tích 2.018 hecta nhưng có tới 13 dự án đầu tư, chủ yếu là sân golf và khu công nghiệp. Do bị nhiễm mặn nên đất ở đây mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ lúa mùa.

Thời gian còn lại người dân phải kiếm thêm thu nhập bằng nghề chằm lá, bắt còng, bốc vác... Ông Nguyễn Thành Lợi (phụ trách nông nghiệp xã) cho biết đầu năm 2007 giá đất đã vọt lên 25 triệu đồng/công, đất thổ cư thì khoảng 200 triệu đồng/công. Đỉnh điểm là từ tháng 8.2007 đến nay giá đã tăng với tốc độ "phi mã": từ 7,5 đến 9 triệu đồng/m2!

Giá đất tăng cũng phát sinh thêm nhiều vấn đề xã hội rắc rối. Ông Trần Văn Đạt, Chánh văn phòng UBND huyện Cần Giuộc, cho biết: "Nếu như trước đây khi bị giải tỏa, người dân chỉ đòi nhận tiền bồi hoàn và hỗ trợ tái định cư mà không chịu nhận nền nhà. Còn bây giờ thì ngược lại, người dân yêu cầu được nhận nền nhà, vì trị giá tới 500 triệu đồng/nền, trong khi nếu nhận tiền hỗ trợ thì chỉ có 60 triệu đồng.

Khi giá đất tăng cũng xảy ra hiện tượng người dân tách thành nhiều hộ (ra riêng cho con) để khi bị giải tỏa thì được nhận nhiều nền tái định cư".

Không chỉ dân và nhà đầu tư nhỏ lẻ hưởng lợi mà ngay cả các nhà đầu tư cỡ bự cũng "ăn nên làm ra". Từ kiểu quy hoạch lạ đời một xã có tới 5 dự án sân golf, sau khi dư luận lên tiếng, tỉnh Long An đã rút lại: trong 2 huyện Cần Đước và Cần Giuộc chỉ xây dựng một sân golf.

Việc "rút lại" này lẽ ra sẽ là nỗi buồn cho các nhà đầu tư, nhưng theo ông Trần Văn Đạt thì "tưởng vậy mà không phải vậy" ! Thậm chí nhà đầu tư còn hoan nghênh cả hai tay. Vấn đề ở chỗ mỗi dự án sân golf được giao tới hàng trăm hecta đất. Và với giá đất đang lên cơn sốt như hiện nay, chỉ cần chuyển mục đích sử dụng thì các nhà đầu tư mặc dù chưa sản xuất, kinh doanh nhưng đã có lãi "kếch xù" rồi!

Theo Thanh Niên