Top

Hạn chế quy hoạch trên giấy, cách nào?

Cập nhật 06/09/2008 14:04

Tổng thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam - GS-TS Huỳnh Đăng Hy bày tỏ những trăn trở với Người Đô Thị trước việc quy hoạch thủ đô mở rộng...

Sau khi hợp nhất, tuy “được tiếng” dân đông, đất rộng, nhưng đất để xây dựng các khu đô thị, công nghiệp, khu chức năng... của thủ đô lại không còn nhiều, bởi phần lớn đều đã được giao cho chủ đầu tư.

Đánh giá lại việc cấp phép

* Thưa GS, việc cấp phép dự án ồ ạt trong thời gian qua của chính quyền các địa phương trước thời điểm hợp nhất với Hà Nội, sẽ tác động đến quy hoạch Hà Nội mở rộng ra sao?

- GS-TS Huỳnh Đăng Hy: Tại Hà Tây, ngay trước khi hợp nhất, đã cấp đất cho các dự án theo kiểu “tháo khoán”. Nhiều chủ đầu tư không quan tâm đến chất lượng, chỉ chú tâm đến thiết kế cho nhanh, nhiều dự án chỉ giao cho người thiết kế làm trong... 15-20 ngày, để sớm hoàn thiện thủ tục xin cấp đất.

Thực tế đó tiềm ẩn những hậu quả đáng lo ngại. Nếu chính quyền thủ đô mở rộng không đánh giá kịp thời (xem dự án nào phù hợp với quy hoạch), cứ để các dự án mọc lên theo giấy phép các tỉnh đã cấp, thì đồ án quy hoạch chung (tương lai của thủ đô Hà Nội) sẽ khó điều tiết nổi. Và quy hoạch xây dựng thủ đô ở nhiều nơi sẽ đứng trước nguy cơ trở thành “quy hoạch trên giấy”.

* Vậy Chính phủ cần phải làm gì sớm, thưa GS?

- Muốn quy hoạch thủ đô đạt đến hình thái phân bố dân cư, các công trình đô thị hợp lý, trước hết phải đánh giá được tình hình cấp phép vội vã đất đai tại các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình thời gian qua và Nhà nước phải có kết luận xử lý hậu quả. Xin nói thêm, hình thái chùm đô thị thủ đô Hà Nội không chỉ có ảnh hưởng trong ranh giới hành chính mà còn liên quan tới các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam...

Để có một thủ đô mở rộng hiện đại, phải theo trình tự là lập đồ án quy hoạch vùng rồi mới đến quy hoạch chung. Nếu gấp gáp hơn, song song lập một ê-kíp lập đồ án quy hoạch vùng, một ê-kíp điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô (đã được duyệt năm 1998). Trong đó, Nhà nước cùng các chuyên gia trong nước xây dựng đầu bài thiết kế với tầm nhìn ngắn nhất là 50 năm, thực hiện từng 10 năm một, còn nhà thầu tư vấn nước ngoài chỉ tham gia với vai trò tư vấn thiết kế.

Quy hoạch giúp điều tiết dân số, lao động

* Thưa GS, các nước tiên tiến trên thế giới phát triển đô thị bằng cách nào?

- Bệnh “đô thị đầu to” chỉ diễn ra ở những nước chậm phát triển, quản lý kém như Manila (Philippines); New Delhi, Mumbai (Ấn Độ); Bangkok (Thái Lan)...

Nhìn chung, hướng phát triển đô thị của các nước tiên tiến là người ta xây dựng những đô thị vệ tinh với chức năng khác nhau ở những vùng khác nhau, từ đó điều phối phát triển theo việc làm của người dân.

Ở Việt Nam, chúng ta cũng đã làm theo hướng đó nhưng chưa đến nơi đến chốn. Tức là lập ra khu đô thị mới rồi bỏ đấy mà không tính về sau sẽ phát triển ra sao. Tôi lấy ví dụ như ở khu đô thị Hòa Lạc (Hà Nội). Năm 1998, Nhà nước cấp cho Đại học Quốc gia 1.000 ha đất để xây dựng khu đại học, nhưng đến tận bây giờ chỉ thấy người ta cho xây nhà ở công vụ. Xây nhà công vụ cho giáo viên đến dạy, thỉnh giảng... để làm gì trong khi trường học chưa có? Phải chăng đây chỉ là cách làm lấy lệ khi được Nhà nước giao đất?

Còn với các khu công nghiệp, theo tiêu chuẩn công nghệ hiện đại, phải đảm bảo tỉ lệ 50 công nhân/ ha. Với những khu rộng cả ngàn hecta cho khoảng 5 vạn người làm việc (chưa kể đến sinh sống cùng họ là vợ, chồng hoặc con cái), thì quy hoạch phát triển phải tính đến cả dịch vụ bảo đảm đời sống, nhu cầu an sinh. Nhưng đáng tiếc, những khu đô thị, công nghiệp mới quanh Hà Nội như Quế Võ, Từ Sơn (Bắc Ninh), Quang Minh, Xuân Hòa, Hương Canh (Vĩnh Phúc), Phố Nối (Hưng Yên)..., chưa nơi nào làm được chuyện đó. Công nhân vẫn phải trọ nhà dân, sống chen chúc, tạm bợ, nhiều người vì không chịu nổi đã bỏ về quê hoặc đổ về trung tâm thủ đô sống vạ vật.

Đô thị nên đa ngành nghề, trong đó lấy một ngành nghề làm chủ thể, chứ không thể phân định đô thị công nghệ cao, đô thị công nghiệp nặng, đô thị chuyên về công nghệ thông tin... Một đô thị sống là đô thị phải bảo đảm cho nhu cầu ở, làm việc, sinh hoạt của người dân tương đối đồng bộ.

Địa lý – cơ sở của quy hoạch

* Hà Nội mở rộng có rừng núi, yếu tố này sẽ chi phối quy hoạch ra sao, thưa GS?

- Địa hình, cảnh quan sẽ quyết định hình thái cấu trúc, chủ trương xây dựng từng khu chức năng... Vậy nên, không thể có chuyện một đô thị miền núi áp dụng kiểu quy hoạch của đồng bằng, hoặc ngược lại. Không thể phát triển ào ào toàn nhà ống, nhà cao tầng (như Sơn La, dù là thành phố miền núi, chẳng hạn).

Để hạn chế tình trạng đó, ngoài việc học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài, không đâu xa, chúng ta có thể học ngay Pleiku (dù vẫn có những hạn chế). Thành phố này đã được quy hoạch với tỉ lệ cây xanh, thảm cỏ lớn, nhà cửa vừa phải, không quá cao. Người dân bản địa hay du khách đều thấy Pleiku gần gũi, thanh bình.

Người Đô Thị