Các khu đô thị (KĐT) mới đã và đang khởi sắc, tạo đà cho giải pháp cân bằng áp lực ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, các công cụ và phương pháp quản lý quy hoạch xây dựng (QHXD) chưa thực sự hiệu quả, khiến một số KĐT vừa hình thành đã xuống cấp.
Xu thế đô thị hóa đã biến đất nông thành đất cư. Hình ảnh các dự án lộ diện là dáng khối của mảnh ruộng xưa, các tòa nhà thì xoay xở theo hình dáng khu đất được giới hạn bởi ranh quyền sử dụng đất. Kết quả là hệ thống hạ tầng kỹ thuật được xây mới không đồng bộ. Chất lượng môi trường sống không tốt do ô nhiễm (không khí, nước thải); hồ, rạch bị san lấp...
Quản lý lỏng lẻo, yếu kém, thiếu thông tin trong việc đo vẽ, lập ranh giới và tổ chức quy hoạch (QH), khiến nhiều mạng lưới đường các dự án không gắn liền với nhau, thậm chí còn gây tắc nghẽn vào giờ cao điểm ở một số điểm nút. Dù đã có QH chung, QH chi tiết nhưng xu thế “đô thị” đó giống như sự tự phát không QH, kiểm soát các chỉ tiêu chỉ dừng lại ở những con số trong đồ án.
Nhiều KĐT mới được xây dựng với các lý do khác nhau như: tham vọng đầu tư, nhu cầu nhà ở hay đầu cơ bất động sản của một bộ phận “cơ hội”. Chủ đầu tư nào cũng mong muốn giới thiệu hình ảnh để quảng bá chất lượng tốt cho dự án nhằm thu hút thị trường, nhưng thực tế môi trường sống tại các KĐT mới trong thời gian qua hoàn toàn chưa thể đáp ứng được.
Thậm chí vô tình tác động tiêu cực đến các khu vực đất nông nghiệp, sinh thái, dự trữ xung quanh; đặc biệt là hạ tầng bên ngoài đô thị, các khu dân cư nông thôn kế cận. Điều đó khiến bức tranh đô thị trên một vùng lãnh thổ trở nên manh mún, xen cấy hỗn tạp, việc kết nối và chuyển tiếp không gian nham nhở, gây ra những phản cảm đáng buồn.
Về cơ bản, quy trình lập và phê duyệt QH một dự án tỏ ra rất chặt chẽ, thậm chí đến mức cứng nhắc nhưng lại cho thấy sự lúng túng của các bên tham gia. Thực tế, nhu cầu lập các dự án KĐT mới lại đa dạng và đầy biến động, chủ đầu tư không thể chờ đợi các trình tự QH (QH vùng, QH chung, QH chi tiết) ra đời đầy đủ rồi mới thực hiện kế hoạch của mình. Khi được phê duyệt, dự án đã trở nên thiếu linh hoạt trong đầu tư, vì thế nó ngẫu nhiên sẽ kém chất lượng ngay từ thời kỳ đầu hình thành.
Hiện nay, lập QHXD và thực hiện theo QH phần lớn vẫn theo phương pháp truyền thống, do vậy rất khó phát huy và khả thi được. Vì vậy, nên bắt đầu có những tư duy mới khi lập QHXD, đặc biệt là kêu gọi đầu tư và tập trung xây dựng mạng lưới hạ tầng kỹ thuật theo QH để áp dụng cho từng khu vực (QH chung quận - huyện, QH chi tiết 1/2000 cấp phường - xã...) trước khi xây dựng phát triển đô thị. Đây là giải pháp duy nhất để có được giá trị cần thiết khi xây dựng phát triển các KĐT mới.
Sự phát triển đô thị theo QH bài bản sẽ tạo nên vóc dáng mới cho đất nước và đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên đường hội nhập. Gần đây, các văn bản pháp lý, quy phạm pháp luật như Luật Xây dựng, Nghị định 08/2005/NĐ-CP, các thông tư, văn bản khác được sửa đổi, ban hành mới là cơ sở tốt cho công tác lập, quản lý QHXD từng bước đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực, đáp ứng phần nào các vướng mắc cố hữu trước đây và hy vọng trong tương lai sẽ có các động thái mới để phát triển đô thị quy củ hơn.
Trong thời gian qua, các KĐT mới hình thành khá nhiều, tuy nhiên để có được một KĐT chuẩn mực, làm mẫu hình cho sự phát triển của các KĐT mới khác là thật sự cần thiết. Việc lấy khu Phú Mỹ Hưng (TP.HCM) và Cipurtra (Hà Nội) thành KĐT kiểu mẫu là tín hiệu đáng mừng để kiểm chứng cho việc lập QH, xây dựng và quản lý các KĐT mới nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên