Trao đổi với Báo giới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây Đào Văn Bình tỏ ý vui mừng trước đề xuất của Bộ Xây dựng đưa cả tỉnh này về Hà Nội. Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình lại tỏ ý lo lắng khi phải "cắt" những vùng đất trọng điểm kinh tế, du lịch dịch vụ về thủ đô.
Ông Đào Văn Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây: Người dân phấn khởi khi trở thành người thủ đô. Theo dư luận, phần lớn người dân Hà Tây rất phấn khởi nếu được sáp nhập với Hà Nội, trở thành công dân của thủ đô. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm, muốn đầu tư vào Hà Tây. Những nhà đầu tư đất đai đã làm giá đất khu vực này tăng lên, đời sống của người dân sẽ thay đổi.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh Hà Tây đang phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát các dự án, quy hoạch trên địa bàn tỉnh, phấn đấu hoàn thành trước 30/3 để trình Thủ tướng.
Tỉnh Hà Tây có một vài huyện như Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Đức có người dân tộc Mường sinh sống, họ chưa phản hồi nguyện vọng. Lãnh đạo tỉnh đã giao cho chính quyền cơ sở nắm bắt tâm tư của bà con. Cuối tháng này, HĐND tỉnh sẽ họp bất thường bàn về việc sáp nhập với thủ đô Hà Nội, tôi tin các đại biểu sẽ đồng ý chủ trương này.
Ông Bùi Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình: Khu vực sát nhập đang được coi là động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Khu vực sát nhập là 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, thuộc huyện Lương Sơn, có địa hình đồi núi đẹp, phong cảnh thích hợp phát triển dịch vụ, du lịch. Khu vực này vốn được coi là động lực phát triển kinh tế của Hòa Bình, đang tập trung nhiều dự án vui chơi giải trí như Suối Ngọc - Vua Bà, khu trượt cỏ... Đã có nhà đầu tư lựa chọn khu vực này để xây dựng một khu đô thị, giải trí - thương mại lớn nhất nước.
Tất nhiên khi các xã này sát nhập về Hà Nội thì cơ cấu kinh tế của tỉnh Hòa Bình có thay đổi, chúng tôi đang lập quy hoạch xây dựng 2 khu công nghiệp khác để bù lại khu vực sẽ mất.
4 xã sát nhập có 13.000 dân với hơn 8.000 ha, trong đó có 10.000 người là dân tộc Mường. Mặc dù chưa thấy bà con có ý kiến song lãnh đạo tỉnh cũng lo ngại về khả năng thích nghi của người dân với đời sống đô thị. Tỉnh đã yêu cầu các xã tuyên truyền với bà con chủ trương sáp nhập về thủ đô Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Vĩnh Phúc: Cắt huyện Mê Linh vào Hà Nội sẽ giảm thu ngân sách của tỉnh.
Huyện Mê Linh chưa phải là trọng điểm kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc, đứng sau Phúc Yên và khu công nghiệp Bình Xuyên. Tuy nhiên, mỗi năm, huyện này thu ngân sách 400 tỷ đồng. Hiện đang có Khu công nghiệp Quang Minh 1 hoạt động khá hiệu quả, thu hút nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, cắt huyện Mê Linh vào Hà Nội sẽ giảm thu ngân sách của tỉnh.
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, cơ cấu kinh tế của huyện Mê Linh là đô thị sinh thái, với 6.000 ha đất dành cho nông nghiệp và đô thị, 9.000 ha dành cho phát triển nông nghiệp sinh thái. Do vậy, hướng của tỉnh là sẽ chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp của huyện Mê Linh lên Bình Xuyên và Vĩnh Yên.
Khi sát nhập vào Hà Nội, nhiều người dân tại huyện Mê Linh tỏ ý đồng tình song cũng có không ít người băn khoăn. Các nhà đầu tư e ngại về thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý ở Hà Nội phức tạp, giá đất tăng gây khó khăn khi đầu tư hoặc không được nhiều ưu đãi.
Nhiều người dân, giới công chức cũng lo ngại các chính sách khác về văn hóa xã hội, giáo dục sẽ thay đổi. Hiện tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư cho các lĩnh vực này khá ưu ái nếu so sánh với chính sách của Hà Nội.