Nếu được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hoàn tất thẩm định kết quả đấu thầu sớm vào tháng 3, đường vành đai 3 giai đoạn II sẽ khởi công. Và đây sẽ là tuyến đường 2 tầng đầu tiên ở Hà Nội cũng như của cả nước được xây dựng.
Đoạn đường trên cao đầu tiên của Hà Nội sẽ được thi công ngay trên dải phân cách để rộng của đường vành đai 3 - Ảnh: Lâm Hoài |
Theo ông Phạm Thanh Bình - phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án (PMU) Thăng Long, đại diện chủ đầu tư dự án đường vành đai 3 giai đoạn II - dự án này sẽ xây dựng tuyến đường trên cao dài 10,8km, từ bắc hồ Linh Đàm tới Mai Dịch ngay trên mặt bằng của đường vành đai 3 hiện tại. Dự án đường vành đai 3 giai đoạn II được Bộ GTVT phê duyệt ngày 13-3-2008.
Đến nay việc đấu thầu gói thầu 3 (đoạn từ cầu Đại Từ tới nút giao Thanh Xuân dài 3,6km) đã hoàn tất công tác đấu thầu và đang được Bộ GTVT thẩm định. Nếu được phê duyệt sớm gói thầu này sẽ khởi công vào tháng 3-2010. Các gói thầu còn lại cũng đang được tiến hành đấu thầu để sớm thi công.
Một thuận lợi lớn để xây dựng tuyến đường trên cao này là không phải giải phóng mặt bằng. Bởi phạm vi xây dựng sẽ nằm trong dải phân cách giữa của đường vành đai 3 hiện nay được để dành với chiều rộng 28m.
Các nhà thầu sẽ thi công cầu cạn trên dải phân cách này để hình thành tuyến đường trên cao (cao hơn mặt đường hiện tại 8m) có chiều rộng 24m với bốn làn xe cơ giới với cấp đường cao tốc lên tới 100km/g. Bên cạnh đó, tuyến đường này sẽ có tường chống ồn và hệ thống điều hành.
“Đến nay, đoạn từ nút Thanh Xuân về phía Linh Đàm đã cơ bản hoàn thành. Các đơn vị thi công đã tập kết vật liệu, phương tiện chờ quyết định phân luồng tuyến Nguyễn Trãi của Sở GTVT Hà Nội để hoàn tất trải thảm phục vụ thông đường tại nút giao thông này” - ông Phạm Thanh Bình - phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án (PMU) Thăng Long - cho biết. |
Với thời gian thi công dự kiến là 30 tháng kể từ ngày khởi công, khi hoàn thành sẽ không chỉ trở thành tuyến đường cao tốc đô thị hiện đại mà còn là tuyến đường hai tầng đầu tiên ở Việt Nam. Lúc đó, khả năng lưu thông của các phương tiện từ cầu Thăng Long đi về hướng đường Láng - Hòa Lạc, quốc lộ 1A, cầu Thanh Trì và ngược lại sẽ tăng lên nhanh chóng.
Trong tương lai, Bộ GTVT đang có kế hoạch mở rộng nâng cấp tuyến đường Mai Dịch - Nội Bài (một phần của đường vành đai 3) thành đường cao tốc (có thể thiết kế đường trên cao) khả năng kết nối từ phía bắc sông Hồng về vành đai phía nam Hà Nội sẽ được đảm bảo hơn.
Tổng mức đầu tư cho tuyến đường trên cao đầu tiên này hơn 5.547 tỉ đồng. Trong đó chi phí xây dựng khoảng hơn 3.752 tỉ đồng, dự phòng khoảng 1.222 tỉ đồng... chủ yếu là vốn vay từ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và vốn đối ứng trong nước.
Tuyến đường vành đai 3 giai đoạn I đang đi dần vào giai đoạn cuối. “Nút tắc” tại điểm giao cắt đường vành đai 3 với đường Nguyễn Trãi (nút giao Thanh Xuân) sau công cuộc giải phóng mặt bằng đầy nan giải làm chậm tiến độ đường vành đai 3 dự kiến thông tuyến vào 20 tháng chạp để phục vụ người dân đi lại vào dịp tết.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ