Trong khi các chủ đầu tư vốn là các doanh nghiệp bất động sản nhanh chân triển khai các dự án để bán ra thị trường trong "cơn sốt" bất động sản vừa qua thì thật đáng tiếc, đất đấu giá, thị trường đất đấu giá lại rất hiếm hàng.
Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, tiến độ đấu giá vẫn còn quá chậm so với yêu cầu đặt ra từ đầu năm. Theo kế hoạch, năm 2009, Hà Nội sẽ triển khai 83 dự án đấu giá quyền sử dụng đất, dự kiến thu về 3.419 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết quý 4/2009, mới có 11 quận, huyện tổ chức đấu giá 14 dự án tổng số tiền thu được (ước theo giá trúng đấu giá) chỉ đạt 19% kế hoạch.
Lý giải về điều này, trong một cuộc họp với Thành phố, ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, các dự án đấu giá chậm có nguyên nhân khách quan từ phía các cơ quan tổ chức đấu giá. Cụ thể, do có sự khác nhau của các văn bản quy định về đấu giá đất trên địa bàn Hà Nội cũ và Hà Tây (cũ) nên phần lớn các khu đất đã và đang tổ chức đấu giá ở khu vực Hà Tây chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng cũng như làm hạ tầng.
Ngoài ra, một số dự án ách tắc kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng tới tiến độ đấu giá như dự án 18 Hàng Khoai, khu tái định cư Trung Hưng (thị xã Sơn Tây), khu đấu giá xã Tiến Thịnh (Mê Linh)…
Hiện nay trên thị trường, đất đấu giá ở những khu vực đã có dân cư đến ở kháng trang có giá rất cao.Ví dụ đất đấu giá khu Nguyễn Sơn-Long Biên giữa năm 2009 chỉ có giá trung bình 30 triệu đồng/m2 nay đã tăng lên 47-50 triệu đồng/m2 do khu đô thị này đã hình thành. Còn ở khu quy hoạch đất đấu giá ở Ngô Thì Nhậm - quận Hà Đông giá trúng chỉ trên dưới 20 triệu đồng/m2 nay có sổ đỏ, người dân đã giao dịch chuyển nhượng ở mức 45-50 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Thực trạng trên cho thấy, khả năng bán được giá cao hơn nữa tại những khu đất đấu giá do chủ đầu tư là Thành phố hoàn toàn có cơ sở để đạt được. Tuy nhiên, cần phải nói với vai trò của các chủ đầu tư là các quận, huyện và ban tổ chức đấu giá thuộc Thành phố. Có lẽ các chủ đầu tư cần phải chuyên nghiệp hơn trong cách "tiếp thị" để thu hút được rộng rãi người dân tham gia.
Đồng thời, chủ đầu tư phải thông thoáng về thủ tục hành chính đối với người tham gia đấu giá và trúng giá. Các quận huyện nên tạo điều kiện để nhà đầu tư có thể trả tiền một cách hợp lý nhất, tránh tình trạng bỏ cọc vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng tới uy tín các cuộc đấu giá sau này. Thực tế cho thấy, các dự án bất động sản khác, chủ đầu tư luôn có những điều kiện thu hút khách hàng ví dụ thu tiền đất thành nhiều đợt, có chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ.
Chủ đầu tư là cơ quan hành chính của Thành phố cần nghiên cứu những cách làm này sao cho uyển chuyển với thị trường và thu hút cao nhất người mua. Một vấn đề rất quan trọng để những cuộc đấu giá thành công là khi giao đất, khu đất quy hoạch đấu giá phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng thật hoàn chỉnh, đường giao thông làm đẹp, ánh sáng đầy đủ, trồng cây xanh khang trang để người mua đất cảm thấy lô đất họ đã mua của Nhà nước là đáng "đồng tiền bát gạo".
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới