Top

Hà Nội chấn chỉnh hoạt động xây nhà xã hội

Cập nhật 27/08/2014 14:38

UBND TP. Hà Nội vừa giao Sở Xây dựng lập kế hoạch trình Thành phố quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra các dự án phát triển nhà ở xã hội (NOXH) trên địa bàn Thành phố.

Cả nước hiện đang triển khai 129 dự án nhà ở xã hội

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Xây dựng, cả nước hiện đang triển khai 129 dự án NOXH, trong đó có 90 dự án cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 55.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 27.560 tỷ đồng; 39 dự án cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 27.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.850 tỷ đồng. Nhiều dự án trong số trên nằm trên địa bàn Hà Nội.

Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 02, trong đó có nội dung cho phép các doanh nghiệp được chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang NOXH, thống kê của Bộ Xây dựng cập nhật đến ngày 25/6/2013, cả nước có 48 dự án xin chuyển đổi, trong đó Hà Nội có tới 21 dự án. Tuy nhiên, theo thông tin mà Đầu tư Bất động sản có được, đến thời điểm này, mới có 4 dự án có quyết định chính thức từ UBND TP. Hà Nội cho phép chuyển đổi. Tại TP. HCM tình hình chuyển đổi còn diễn ra chậm chạp hơn.

Chính vì vậy, vào cuối tháng 5/2014, Bộ Xây dựng đã ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra công tác đầu tư và xây dựng giá bán, giá cho thuê, cho thuê mua NOXH tại Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng. Nội dung của đợt kiểm tra lần này tập trung vào công tác đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật. Đồng thời, kiểm tra công tác xây dựng giá bán, giá cho thuê, cho thuê mua NOXH theo quy định của pháp luật.

Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, công tác phát triển nhà xã hội trên địa bàn Thành phố còn một số tồn tại, bất cập. Đó là thiếu vốn đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên; việc huy động nguồn lực để xây dựng nhà ở công nhân còn hạn chế; công tác quản lý vận hành nhà ở công nhân còn yếu kém; một số chủ đầu tư chậm tiến độ dự án; công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm chưa được quan tâm đúng mức.

Để khắc phục tồn tại, đối với nhà ở cho người thu nhập thấp, UBND Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư phải cam kết thời hạn khởi công, hoàn thành, công khai tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án; kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ, giao cho chủ đầu tư khác theo quy định của pháp luật.

Đối với nhà ở sinh viên, ông Tuấn chỉ đạo Sở Xây dựng đôn đốc sớm hoàn thiện 5 đơn nguyên dự án nhà ở sinh viên Mỹ Đình II và 4 khối nhà tai Dự án Pháp Vân - Tứ Hiệp để đưa vào sử dụng trong tháng 8/2014, kịp thời phục vụ năm học mới, tránh lãng phí. Đồng thời, giao các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng đề xuất phương án bố trí nguồn vốn bổ sung trái phiếu chính phủ còn thiếu để hoàn thành Dự án Mỹ Đình II và Pháp Vân - Tứ Hiệp.

Đối với nhà ở công nhân, ông Tuấn yêu cầu các chủ đầu tư phải cam kết thời hạn khởi công, thời hạn hoàn thành, công khai tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án. Kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm đôn đốc việc triển khai thực hiện báo cáo Thành phố chậm nhất là ngày 31/8/2014. Giao Sở Xây dựng chủ trì rà soát tổng thể nhu cầu sử dụng nhà ở công nhân của các khu, cụm công nghiệp, phù hợp điều kiện thực tế hiện nay; đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển nhà ở công nhân, báo cáo UBND Thành phố trong tháng 9/2014.

UBND TP. Hà Nội cũng thống nhất đề xuất và giao Sở Xây dựng lập kế hoạch trình Thành phố quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các dự án phát triển NOXH và thực hiện quy định pháp luật về giá bán, cho thuê, cho thuê mua, đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà, hợp đồng bán, cho thuê, cho thuê mua, quản lý chất lượng xây dựng và quản lý, khai thác, sử dụng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra cần giao ban định kỳ 3 tháng 1 lần kiểm điểm công tác đầu tư phát triển NOXH.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản