Cách đây hơn 1 năm, giá nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại Hà Nội khoảng 10 - 13 triệu đồng/m² và có rất nhiều người chen nhau bốc thăm giành quyền mua, nhưng đến thời điểm này các dự án đó đã trở nên ế ẩm. Nếu so với giá đang giảm mạnh của loại nhà thương mại trên thị trường thời gian qua, chỉ còn khoảng 18 triệu đồng/m², thì giá nhà cho người thu nhập thấp quả thật đã không còn hấp dẫn.
Tại thời điểm này, hạ giá thành xây dựng nhà được coi là một trong những giải pháp phá băng thị trường bất động sản. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Quang Cung, Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) xây dựng trong nước chưa mặn mà với việc hạ giá thành. Các giải pháp kỹ thuật mới có thể giúp giảm mạnh giá thành xây dựng tới 30%-40%. Thế nhưng hình như các DN còn e ngại, không dám mạnh dạn ứng dụng các giải pháp kỹ thuật mới trong xây dựng.
Theo tính toán của các chuyên gia thuộc Đại học Xây dựng Hà Nội, trong xây dựng nhà cao tầng, chi phí cho nền móng và tầng hầm chiếm tỷ trọng rất lớn, có thể đến 15%-25% trị giá công trình. Nếu tính riêng trị giá phần thô, có thể chiếm đến 50%. Việc giảm chi phí này rất quan trọng. Ví dụ, chủ đầu tư công trình Keangnam (Hà Nội) đã ứng dụng công nghệ thổi rửa đáy cọc khoan nhồi để tăng khả năng chịu lực của cọc. Sau khi thổi rửa đáy cọc, khả năng chịu lực của cọc là 1.750 tấn, trong khi thiết kế của Việt Nam chỉ dám tính khả năng chịu lực của cọc khoảng 1.050-1.100 tấn. Nhờ đó chủ đầu tư đã tiết kiệm được khoảng 30% chi phí cọc, tương đương 20 triệu USD.
Lợi ích có thể nhìn thấy rõ nhưng các chủ đầu tư trong nước vẫn e ngại áp dụng công nghệ mới này. Nguyên nhân của sự e ngại được cho là trình độ nhân lực của chúng ta từ đội ngũ kỹ sư đến công nhân kỹ thuật chưa đồng đều. Bên cạnh đó, về phương diện quản lý nhà nước, một số tiêu chuẩn xây dựng ở Việt Nam được soạn thảo trong giai đoạn còn lạc hậu nên các chủ đầu tư thường lựa chọn phương án thiên về an toàn, mặc dù đội giá.
Mới đây, đã có DN đưa ra kế hoạch xây dựng tại Hà Nội loại căn hộ có giá thành chỉ khoảng 4 triệu đồng/m² bằng các giải pháp công nghệ mới tiết kiệm chi phí sản xuất. Có thể nói, nếu DN xây dựng nào chậm chân trong việc áp dụng công nghệ mới sẽ bị tụt hậu trong cuộc đua tranh của thị trường bất động sản.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng