Top

Nhà thu nhập thấp: Nên bỏ tư duy sở hữu

Cập nhật 28/11/2011 15:45

Sau hai năm hưởng ứng chủ trương về nhà thu nhập thấp, đến nay một phần các dự án được khởi công, số căn hộ đã hoàn thành đáp ứng số người mua nhà được hơn 1% so với kế hoạch. Nguyên nhân bất cập có nhiều nhưng cũng cần xem lại cách nghĩ, cách tư duy về vấn đề này.

Tư duy cũ về nhà ở không còn phù hợp


Nhà ở cho mọi người, trong đó có nhà ở đô thị là nguyện vọng chính đáng của toàn dân. Lâu nay Đảng và Nhà nước đã có nhiều cố gắng để cho người dân có nhà ở. Các cơ quan chức năng của nhà nước và các doanh nghiệp cũng đã tập trung xây dựng nhiều khu chung cư, nhà ở mới, ban hành chính sách hỗ trợ người nghèo mua nhà giá thấp… góp phần giải quyết được nhà ở cho một số người.

Tuy vậy, còn quá nhiều bất cập trong các chính sách này, nào là quy chế quản lý nhà chung cư mỗi nơi một khác, nào là việc bình chọn tiêu chuẩn để được mua nhà TNT… Gần đây, lại nghe chuyện người ta đang định dự thảo quy định người lao động phải nộp một phần thu nhập hàng tháng để lập Quỹ hỗ trợ nhà ở cho người chưa có nhà. Người đã có nhà rồi chẳng ai đồng ý chuyện này vì rất vô lý là khi người ta cố gắng bao năm mới mua được ngôi nhà thì chẳng có ai hỗ trợ gì cả, giờ lại phải hàng tháng bỏ ra một phần thu nhập cho người khác mua nhà, thực là bị bắt buộc làm từ thiện.

Xung quanh vấn đề này, có nhiều ý kiến khác nhau, mâu thuẩn lại càng rối tung cả lên. Vì sao vậy?

Vì chúng ta còn thiếu một cách nhìn cơ bản, tổng thể về vấn đề này bởi mọi chính sách, biện pháp hiện nay đều mang tính tình thế.

Ví dụ, nhà ở cho người nghèo ở các đô thị. Để có một căn hộ bình thường cho một gia đình ở HN bây giờ, cần có tối thiểu 500 triệu đồng (lấy con số tương đối để xem xét, thực tế thì dao động nhiều tùy vị trí và diện tích, hiện nay giá nhà để bán cho người thu nhập thấp đã khoảng một tỷ đồng/căn hộ).

Giả sử Nhà nước muốn hỗ trợ cho một hộ nghèo, đang có thu nhập còn thấp, cả gia đình một tháng sau khi trừ chi phí sinh hoạt tối thiểu, để dành được 2 triệu/tháng (rất nhiều người còn chưa đạt tới được mức sống này), thì phải sau 250 tháng mới có số tiền nói trên để mua nhà, và nếu dành dụm sau hơn 20 năm, số tiền ấy lại chẳng thể nào đủ mua nhà được vì giá nhà đất theo quy luật luôn tăng nhanh hơn nhiều so với mức tăng thu nhập của người lao động bình thường.

Như vậy, có thể nói, những người lao động có thu nhập thấp không thể có tiền để tự mua được nhà ở đô thị Hà Nội được.

Thế là nhà nước ra tay giúp họ, bằng nhiều cách, trong đó có cách hỗ trợ các công ty kinh doanh nhà để họ xây nhà giá rẻ, bán cho người nghèo.

Ví dụ, nhờ có chính sách hỗ trợ này, ngôi nhà 500 triệu đồng nói trên, một gia đình lao động nghèo được mua với giá 300 triệu đồng (sau khi đã bình xét “lên bờ xuống ruộng” để được chọn là đối tượng được mua nhà giá rẻ dành cho người nghèo). Thế là thực chất, Nhà nước đã cho gia đình này 200 triệu đồng, một số tiền rất lớn đối với bao người nghèo trên cả nước ta, mà nhà nước (do điều kiện kinh phí có hạn) chỉ dành hỗ trợ cho một số ít người.

Tuy nhiên, sau khi được hỗ trợ, liệu gia đình trên có ở nổi trong ngôi nhà mới này không. Sẽ nhiều người không ở được.

Chúng ta biết rằng người nghèo thì cần tiền cho rất nhiều thứ, còn cần trước hơn cả một ngôi nhà đàng hoàng. Chẳng dễ mà ở trong ngôi nhà khang trang trong khi họ có thể đổi nó lấy một số tiền, dôi ra đến 200 triệu mà làm các việc rất cần kíp khác (như cho con học nhiều hơn, chữa bệnh, trả nợ….). Thế là gia đình nghèo này bèn bán“quyền được mua nhà cho người nghèo” cho một người giàu để mà lấy một số tiền (tất nhiên là dưới 200 triệu, hai bên cùng có lợi mà), để có một cuộc sống tốt hơn, còn chỗ ở thì cứ tạm như cũ đã (bỗng nhiên có gần 200 triệu cũng tốt quá rồi). Đây chính là nguyên nhân của hiện tượng “ô tô xếp hàng đi mua nhà dành cho người nghèo” mới đây ở HN.

Dù rằng nhà nước có quy định cấm người trong diện được mua bán loại nhà này, song chẳng khó khăn gì trong việc bán chui nó cả. Thế là người nghèo sẽ vẫn chẳng có nhà.

Như vậy là chính sách này dù rất tốt đẹp cũng chẳng giải quyết được nhà ở cho người nghèo.

Cần thay đổi tư duy về nhà ở

Tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Singapore, Hàn Quốc… thì người lao động của họ có thu nhập trung bình trở xuống cũng chỉ số ít sở hữu được nhà mà chủ yếu họ chỉ đi thuê nhà

Thực tế là người nghèo trên thế giới này, ở các đô thị, vốn kiếm sống hàng ngày đã rất chật vật, nên không mấy ai lại có đủ tiền mua nhà, họ chỉ đủ tiền để thuê nhà ở. Đơn giản là nếu đủ tiền mua nhà ở đô thị, đã chẳng ai gọi họ là người nghèo.Thế mà ta đòi hỗ trợ người nghèo mua nhà ở đô thị.

Đã đến lúc, Nhà nước và người dân hãy cùng thay đổi cách nghĩ. Từ bỏ tư duy “nhà cho người TNT sở hữu” mà tư duy “chỗ ở cho người TNT”.

Chẳng khó khăn gì mà không tính được. Nếu với căn hộ giá trị 500 triệu nói trên, nếu cho người ta thuê 3 triệu đồng tháng thì nhiều gia đình có thể thuê được, và sau gần 15 năm, nhà nước (hay nhà đầu tư được nhà nước hỗ trợ) sẽ thu hồi đủ vỗn đã bỏ ra, còn sau đó thì có lãi. Còn người nghèo, thay vì phải trả 3 triệu, nhà nước có thể hỗ trợ 1 triệu/tháng, để người ta chỉ phải trả 2 triệu/tháng trong khoảng 5 năm, sau 5 năm ấy, họ khá lên thì thôi không hỗ trợ nữa. Như vậy, đa số người nghèo sẽ có đủ tiền để ở trong căn hộ này và không bán nó đi được.

Cần bãi bỏ kiểu kinh doanh bằng cách xây nhà chung cư rồi bán các căn hộ trong đó cho riêng cho từng người . Đây là kiểu mua bán “riêng ở trong chung” khiến cho quy định quản lý kiểu gì cũng gây ra mâu thuẫn.

Mỗi tòa nhà chung cư chỉ nên có một chủ sở hữu, các hộ sống trong đó sẽ chỉ là người thuê nhà theo thỏa thuận với chủ sở hữu. Khi đó Nhà nước chẳng phải mệt với việc quản lý nhà chung cư như hiện nay vì thị trường sẽ tự điều tiết. Chủ sở hữu không chăm lo tốt cho người dân sống trong khu nhà chung cư, người ta sẽ bỏ đi thuê nhà khác. Nhà nước không nên làm thay thị trường những việc mà thị trường tự điều tiết tốt hơn.

Nhà nước cũng phải thay đổi tư duy. Phải thay dần việc hỗ trợ trực tiếp điều kiện sống cho người nghèo bẳng các biện pháp làm giảm dần số người nghèo. Một việc rất cần làm ngay là bỏ lối tư duy “hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà bán cho người nghèo” (vì nó chủ yếu chỉ có lợi cho doanh nghiệp) bằng “hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà cho người nghèo thuê”. Phải có chính sách hỗ trợ phát triển nhanh thị trường nhà ở cho thuê. Nhờ đó, giá nhà cho thuê sẽ thấp, chất lượng các dịch vụ trong nhà chung cư sẽ tốt vì cạnh tranh. Nạn đầu cơ đất và nhà sẽ giảm thiểu, nhiều người nghèo sẽ giải quyết được chỗ ở, người có thu nhập vừa phải cũng có thể mua được nhà riêng nếu muốn.

Về lâu dài, cần xây dựng một lối sống văn minh hiện đại ở thủ đô xu thế hội nhập thế giới. Coi trọng chỗ ở và chất lượng cuộc sống là trước hết. Sở hữu riêng một ngôi nhà không phải là điều kiện tiên quyết của cuộc sống. Nhiều người chạy vạy vay mượn khổ sở để mua nhà, nhưng chất lượng cuộc sống hàng ngày của gia đình họ thì quá kém, thiếu thốn đủ đường, ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc giáo dục của con cái - vốn là việc thiết thực hơn nhiều so với việc có quyền sở hữu một ngôi nhà hay không.

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia