Việc xây nhà trên đất nông nghiệp đang diễn ra sôi động trên địa bàn phường Dương Nội, Q.Hà Đông, TP Hà Nội. Từ khi Hà Đông được công nhận là quận trực thuộc TP Hà Nội thì tình trạng “xẻ” đất nông nghiệp làm nhà lại càng lan rộng...
Ý tưởng “đi tắt đón đầu”
Bước vào con đường làng Lá Cải, chạy qua xóm Đoàn Kết, P.Dương Nội, người ngoài khó có thể ngờ được rằng hai bên nhà cao tầng chạy dài thẳng tắp lại được xây trên… đất lúa. Hàng quán và biển dịch vụ như: Nhà đất, Thịt chó, Cầm đồ… thi nhau mọc lên như nấm.
Với ý tưởng “đi tắt đón đầu”, nhiều người dân đã bảo nhau xây nhà trên đất canh tác, với hy vọng sẽ sớm được hợp thức hóa, từ đất ruộng sang thổ cư. Từ khi Hà Đông trở thành quận trực thuộc TP Hà Nội, một phong trào xây nhà trên đất ruộng đã rộ lên, để bây giờ hầu hết các mảnh đất canh tác ven đường lớn đã biến thành nhà ở.
Theo quy định, khi người nông dân có đất nằm trong dự án sẽ được đền bù khoảng 270 nghìn đồng/m2, kèm theo 10% đất ruộng bị thu hồi với diện tích tối đa 50m2 để làm dịch vụ. Chính vì vậy, nhiều người biết là đất canh tác, nhưng vẫn mua và cố tình xây nhà trái phép.
Đất nông nghiệp vào “sàn bất động sản”
Cùng với phong trào xâm chiếm đất trái phép trên là sự phát triển sôi động của dịch vụ nhà đất tại đây. Chỉ một đoạn đường 100m, nhưng có tới 4 - 5 trung tâm môi giới bất động sản. Trong vai khách mua đất, chúng tôi được bà Trần Thanh Vân, chủ trung tâm “nhà đất” ở xóm Đoàn Kết tư vấn: “Ở đây có hai loại, một là đất thổ cư, hai là canh tác. Đất canh tác mặt đường là 6 triệu/m2, còn đất thổ cư thì khoảng 25 - 30 triệu/m2. Mấy hôm nay có nhiều người hỏi lắm, thời gian tới có khi còn đắt hơn”.
Bà Nguyễn Thị Lan, thôn Ỉ La, phường Dương Nội tâm sự: Tôi mua mảnh đất này cách đây 2 năm với giá 600 triệu, diện tích 100m2. Chỉ có hai nhà “tay bo” với nhau thôi. Mua ở đây mà đòi có giấy tờ đầy đủ thì làm sao có giá đấy.
Theo thống kê, UBND phường Dương Nội hiện có 4.300 hộ, nhưng con số lập biên bản xây dựng trái phép đã tới 1.286 lượt. Đấy là chưa nói đến những trường hợp vi phạm trước khi công tác quản lý đất đai ở đây bắt đầu làm nghiêm. Vừa qua, sau khi chính quyền địa phương thông báo các hộ nằm trong diện tích bị thu hồi thì lại nảy sinh ra nhiều trường hợp tranh chấp, chủ yếu vì giấy tờ mua bán đất canh tác chỉ là một bản giao kèo giữa hai bên.
Hiện nay, trên suốt dọc tuyến đường làng La Cả, chỉ có 21 hộ được chính quyền cấp giấy chứng nhận cho thuê trong thời hạn 30 năm, còn lại là đều xây dựng và kinh doanh trái phép. Trong khi mức thuế đất áp dụng nộp vào ngân sách Nhà nước của các hộ này vẫn theo mức giá đất nông nghiệp, tức là 10.000đ/năm(!).
Khi “chuyện đã rồi”
“Hiện tượng trên đã xuất hiện hơn một năm nay. Đầu tiên chỉ có một vài nhà đơn giản thôi, sau đó thấy dễ, người dân cứ kiên cố dần. Cứ khi nào chính quyền làm căng lên thì không sao, nhưng lơi lỏng một cái là tối hoặc đêm lại xây tiếp” - ông Dương Đăng Hoàn, tổ trưởng dân phố Thắng Lợi, P.Dương Nội cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Trịnh Như Hà, Phó chủ tịch UBND P.Dương Nội, Q.Hà Đông cũng cho biết: Sau khi có sự chỉ đạo kiên quyết của Quận uỷ UBND Q.Hà Đông, địa phương đã xây dựng các kế hoạch tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn.
Các hộ đã vi phạm trong thời điểm trước đang được hoàn thiện hồ sơ để xử lý tháo dỡ. Tất cả trường hợp xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp sẽ bị xử lý. Nhưng trước tiên là sẽ xử lý các hộ nằm trong diện có quyết định thu hồi đất, trong các dự án quy hoạch.
Vẫn biết nguyên nhân chính là do nhận thức của một số người dân, đã cấu kết với nhau, tạo thành phong trào theo kiểu “phép vua thua lệ làng”. Nhưng giả sử nếu như chính quyền địa phương nơi đây kịp thời tuyên truyền, kiên quyết ngăn chặn ngay từ đầu thì tình trạng trên chắc chắn đã không trầm trọng như bây giờ. Đến khi những ngôi nhà cao tầng kiên cố mọc lên một loạt, chính quyền mới thắt chặt quản lý, thì các sai phạm này thường được xử lý theo kiểu “chuyện đã rồi”.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng