Theo quy định của Nghị quyết 02/2013 của Chính phủ thì đến ngày 1/6/2016, thời hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng sẽ hết.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù đã có 15 NHTM tham gia thực hiện, nhu cầu vay lớn, nhưng giá trị giải ngân chỉ mới đạt hơn 20%. Gói vốn ưu đãi lãi suất tựa miếng bánh ngon trước mắt, nhưng chẳng dễ có được phần.
Đại đa số dự án nhà ở xã hội thời gian qua đều có sẵn quỹ đất chờ từ lâu - Ảnh: Lê Toàn
|
Hiệp hội Bất động sản TP. HCM vừa tiếp tục gửi công văn kiến nghị giải pháp xử lý ách tắc cho gói 30.000 tỷ đồng. Trong công văn có nội dung: “Chính phủ đã giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quy định đối tượng người có thu nhập thấp cho phù hợp với thực tế tình hình tại từng địa phương, chứ không giao thẩm quyền này cho Bộ Xây dựng…
Thế nhưng, Bộ Xây dựng lại có Thông tư hướng dẫn xác định đối tượng người thu nhập thấp là người có mức thu nhập không phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Trong khi các NHTM cho rằng, người có tổng thu nhập dưới mức thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (9 triệu đồng/tháng) thì không đủ điều kiện về chứng minh khả năng tài chính để trả nợ khi tham gia gói 30.000 tỷ đồng, do vậy, không đủ điều kiện được vay để mua nhà. Người mua nhà vẫn khó qua ải khi quan điểm của ngân hàng và Bộ Xây dựng “đá nhau”.
Việc tiếp cận gói vốn này với khách hàng cá nhân rất khó, nhưng thực tế là người có thu nhập thấp chỉ có thể vay mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà giá thấp. Còn với đối tượng khách hàng vay sửa chữa, xây mới thì gần như cánh cửa này đóng rất chặt. Cho dù Thông tư 32/2014 của Ngân hàng Nhà nước ghi rõ: “Từ ngày 25/11/2014, khách hàng cá nhân được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà với mức vay tối đa 70% chi phí xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa lại nhà ở, nhưng không vượt quá 700 triệu đồng”.
Thời hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng là ngày 1/6/2016, có nghĩa là chỉ còn hơn 1 năm nữa, cơ hội được vay vốn từ gói tín dụng này sẽ kết thúc. Dù khó như “hái sao trên trời”, nhưng với con số 31 dự án được vay đến nay thì cuộc đua giành suất trong gói 30.000 tỷ đồng của các chủ đầu tư vẫn tiếp tục. Không thể triển khai nhanh dự án tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, một số chủ đầu tư đã chọn giải pháp “đổ bộ” về các tỉnh như Đồng Nai, Nha Trang, Phan Thiết, Kiên Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Đà Nẵng, Cần Thơ… Điểm chung của các dự án này là vị trí đất đẹp, giao thông thuận tiện. Đó cũng là lý do khiến nhiều chủ đầu tư khác có đất cũng muốn có được suất vay trong gói 30.000 tỷ đồng, nhưng không dễ có phần.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, vay vốn với lãi suất thấp để phát triển dự án là điều mà chủ đầu tư nào cũng mong muốn, nhưng để vay được phải qua một rừng thủ tục, chỉ nhìn vào đã thấy hoa mắt, chóng mặt. Dù có sẵn quỹ đất, doanh nghiệp vẫn đăng ký, nhưng khó có khả năng vay được. Trước thực tế đó, thay vì phát triển nhà ở xã hội, Công ty Lê Thành đã tập trung vào phát triển các dự án nhà ở vừa túi tiền, căn hộ thuê mua trong 49 năm có giá từ 300 triệu đồng trở lên. Đây là mức giá hấp dẫn các gia đình trẻ hoặc người độc thân sống tại TP. HCM.
“Công ty tìm đối tượng khách hàng trước khi triển khai dự án, còn xây ra mới tìm khách thì mất an toàn trong kinh doanh nhà giá thấp”, ông Nghĩa nói.
Với Địa ốc Đất Lành, theo chia sẻ của Phó giám đốc Nguyễn Văn Đực, Công ty đã chuyển nhượng dự án cho Hưng Thịnh phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền, chứ không “dấn thân” vào làm nhà ở xã hội.
“Mình thấy bị đuối thì chuyển cho đối tác tin tưởng làm, còn cứ mơ phát triển nhà ở xã hội để được vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng thì có ngày sẽ chết chìm. Nhiều người cứ hỏi tôi vướng ở đâu, tôi trả lời vướng khắp nơi. Ai không tin cứ tự làm, tự đi tìm hiểu sẽ biết”, ông Đực nêu quan điểm.
Trên thực tế, việc chuyển đổi dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội tại TP. HCM không dễ. Ngoài hàng rào thủ tục pháp lý, doanh nghiệp còn phải tính toán để được hưởng các khoản ưu đãi về tiền thuế sử dụng đất, điều kiện để ngân hàng cho vay và giải ngân… Đợi đến lúc dự án được phê duyệt thì cơ hội tiếp cận gói vốn ưu đãi chắc chắn sẽ không còn, bởi thời gian từ lập hồ sơ cho đến khi khởi công dự án nhanh nhất cũng phải mất 2 năm, còn chậm thì… chưa biết đến khi nào.
Đó cũng là một phần nguyên nhân các dự án nhà ở xã hội hiện nay đang có xu hướng đổ bộ về các tỉnh thành không chịu nhiều sức ép về dân số. Đại đa số các dự án nhà ở xã hội được khởi công thời gian vừa qua đều có sẵn quỹ đất “chờ” trong nhiều năm, không xây dựng sẽ bị thu hồi nên cái bắt tay xây nhà ở xã hội là điều khó tránh.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu tư