Top

Nhà, đất bắt đầu bị “thổi” giá

Cập nhật 01/05/2015 06:33

Sau thời gian dài trầm lắng, thị trường bất động sản Hà Nội bước vào giai đoạn hồi phục. Nhiều giao dịch thành công. Tuy nhiên tại không ít dự án, khu vực, nhà, đất bắt đầu bị “thổi giá”, gây nhiễu loạn thị trường.


Khách hàng tham quan căn hộ mẫu tại dự án FLC 36 Phạm Hùng. Ảnh: VŨ NGỌC

Từ sau thời điểm tuyến quốc lộ 5 kéo dài thông xe, thị trường nhà, đất tại các xã Đông Hội, Mai Lâm, Xuân Canh, Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) như bừng tỉnh sau giấc ngủ kéo dài. Nhất là sau khi cầu Nhật Tân hoàn thành, kết nối giao thông giữa khu vực nội thành và ngoại thành, thị trường nhà, đất tại đây thay đổi từng ngày. Các “cò” đất liên tục lùng sục mọi ngõ, ngách để tìm kiếm thông tin. Chị Nguyễn Thị Thúy, người dân thôn Lại Đà, xã Đông Hội cho biết, gia đình chị có mảnh đất rộng 80m2 rao bán từ năm 2010, nhưng chưa thành công. Vào thời điểm “sốt giá” năm 2011, mảnh đất của nhà chị đã được trả giá 1,6 tỷ đồng, rồi 1,8 tỷ đồng, nhưng gia đình vẫn cố chờ giá tăng tiếp. Đến khi nhà đất hạ nhiệt, “cò” đất chỉ trả giá 1,2 tỷ đồng, gia đình đã quyết định bán với giá 1,2 tỷ đồng, nhưng đợi mãi không thấy cò đất quay lại. Từ ngày có cầu Đông Trù, thông xe quốc lộ 5 kéo dài, giao thông đi lại thuận tiện, chặng đường từ nhà chị đến hồ Hoàn Kiếm rút ngắn từ gần 16km xuống còn hơn 8km, mảnh đất nhà chị Thúy lại tấp nập người đến hỏi mua.

Anh Nguyễn Văn Thăng, người môi giới nhà đất ở phố Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên chia sẻ, người mua phần lớn là những người dân có nhu cầu cải thiện chỗ ở, muốn tìm những mảnh đất tại khu vực có hạ tầng tốt, quy hoạch ổn định, với mức giá từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ đồng để xây dựng nhà ở. Vì thế, những khu vực quy hoạch phát triển đô thị mới, khu dân cư ổn định được nhiều khách hàng quan tâm như các xã đầu cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, huyện Đông Anh; thị trấn Trâu Quỳ, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, gần đường cao tốc Hà Nội-Hưng Yên... Bản thân anh trong thời gian này đã giới thiệu thành công ba miếng đất.

Theo báo cáo của Công ty tư vấn bất động sản Savills Việt Nam, thị trường bất động sản Hà Nội quý I năm nay có gần 4.300 giao dịch thành công, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2014. Các giao dịch tập trung ở các dự án đang thi công và dự án sắp hoàn thành có vị trí tốt. Giá bán bình quân tăng khoảng 2%, trong đó tại một số quận như Nam Từ Liêm, Hà Đông, Long Biên, huyện Đông Anh, Gia Lâm tăng cao hơn, từ 5 đến 10%. Nhiều dự án mở bán căn hộ với giá cao vẫn thu hút lượng lớn khách hàng. Một số dự án bán được lượng lớn căn hộ ngay trong ngày mở bán chính thức. Thậm chí nhiều dự án, người mua phải mất tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, khoảng chục triệu đồng/căn hộ.

Mặc dù thị trường bất động sản đang hồi phục mạnh mẽ, nhưng bắt đầu xuất hiện hiện tượng “thổi giá” tạo ra các cơn “sốt giả” để trục lợi. Tại nhiều dự án mới mở bán tại quận Hà Đông, khu đô thị Mỹ Đình, hay tại các dự án nhà ở đang xây dựng tại khu đô thị mới Linh Đàm, những mảnh đất trong khu dân cư có vị trí đẹp... xuất hiện hiện tượng “sốt giá”. Các cò nhà đất sẵn sàng bỏ tiền mua lại các căn hộ, thửa đất sau đó tạo ra hiện tượng khan hiếm giả tạo để đẩy giá bán. Cụ thể, tại tòa nhà HH3, HH4 khu đô thị mới Linh Đàm, quận Hoàng Mai, các căn hộ rao bán qua sàn đã có người mua. Khách hàng có nhu cầu mua lại căn hộ phải chấp nhận trả chênh lệch từ 300 triệu đến 400 triệu đồng/căn, tùy vị trí. Tại dự án FLC Complex số 36 đường Phạm Hùng, mặc dù chủ đầu tư công bố giá bán từ hơn 27 triệu đến hơn 28 triệu đồng/m2 , nhưng trên thị trường giá bán đã bị đẩy lên đến 30, 31 triệu đồng/m2 . Hay tại khu vực xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, giá đất thổ cư có sổ đỏ, ô-tô vào được đều đã tăng từ 10 đến 20%, tùy diện tích và vị trí. Phần lớn các trung tâm môi giới bất động sản tính phí mỗi lần dẫn khách hàng đi xem đất. Phí môi giới cũng được đẩy lên 5 đến 6% tổng giá trị giao dịch thành công.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia rất khó lặp lại tình trạng “sốt nóng” như thời gian vừa qua. Việc các “cò” nhà đất, chủ đầu tư đua nhau tăng giá bất động sản trong thời gian vừa qua làm chậm quá trình phục hồi của thị trường. Vì thế, các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp điều chỉnh, để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, tránh xảy ra “bong bóng”. Đặc biệt, người dân cần tỉnh táo, tránh trở thành nạn nhân của giới đầu cơ bất động sản.

DiaOcOnline.vn - Theo Nhân dân