Top

Góc khuất nhà tái định cư: Một chữ ký giá... 500 triệu đồng

Cập nhật 20/07/2009 09:45

Khu nhà tái định cư Nam Trung Yên. Ảnh: Chí Cường

Những căn nhà tái định cư giá gốc chỉ 6-7 triệu đồng/m², nhưng chỉ cần qua một chủ đầu tư giá có thể đội lên gấp 2-3 lần.

Hàng nghìn căn nhà tái định cư xây bằng tiền ngân sách, bỗng thành “miếng bánh” béo bở cho giới đầu cơ. Trong vai người tìm mua nhà tái định cư, PV Báo GĐ&XH đã tiếp cận với những góc khuất sau loại nhà này.

“Săn” suất mua tái định cư

Theo địa chỉ trên các website mua nhà đất, chúng tôi tìm đến một công ty môi giới nhà đất nằm trên đường Huỳnh Thúc Kháng, Đ - nhân viên công ty giới thiệu khu B6 - B11 Nam Trung Yên (Cầu Giấy) có 2 toà nhà 17 tầng, B6B - B6C đang niêm phong để chờ bốc thăm. Theo Đ, khu này hiện còn rẻ, giá bán ra chỉ 15,5 triệu đồng/m².

Nếu không mua, vài tháng nữa, khi bốc thăm chia căn xong, giá khu này có thể lên 18- 20 triệu đồng/m2. “Như khu CT5 Mễ Trì Hạ gần đó, cũng nhà tái định cư, bây giờ đã lên 18,5 triệu đồng/m² rồi đấy”, Đ dẫn chứng.

B6 – B11 Nam Trung Yên là khu tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất ở phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng). Khu này đã xây dựng xong từ cách đây khoảng 2 năm, nhưng người được suất mua chưa bốc thăm nhận nhà.

Khi chúng tôi tỏ ý phân vân về tính pháp lý của việc mua suất tái định cư này, Đ lôi một tập hồ sơ (đã được giấu tên) giải thích tường tận: “Bây giờ mua, anh chị sẽ có Quyết định của UBND TP Hà Nội, biên bản bốc thăm, sổ hộ khẩu của gia đình người có suất, hợp đồng uỷ quyền, chứng minh thư của hai vợ chồng. Đấy là những giấy tờ mà anh sẽ mua được ở những nhà tái định cư đã bốc thăm rồi, có quyết định rồi. Nhưng chỉ có những cái này có giá trị nhất, đó là danh sách bốc thăm, hợp đồng uỷ quyền và bản sao hộ khẩu người có suất mua”.

Sau khi đến ở chừng khoảng 1,5- 2 năm, người mua sẽ được làm giấy tờ “sổ đỏ”. Tuy nhiên, sẽ vẫn đứng tên của chủ cũ. Lúc đó, người mua phải chuyển giấy tờ “sổ đỏ” sang tên mình. Theo Đ, người mua cũng không phải lo lắng về việc sang tên “sổ đỏ” này vì hợp đồng là “uỷ quyền định đoạt”.

Trong đó xác định: Người được uỷ quyền định đoạt có tất cả những quyền của chủ nhà sẽ trao cho. Người uỷ quyền sẽ mất hết quyền này trong thời gian uỷ quyền. Thời hạn uỷ quyền có thể 10 - 15 năm, thậm chí vĩnh viễn. Với giấy tờ này, người uỷ quyền sẽ được sửa chữa, cho thuê. Quan trọng nhất là được quyền đi kê khai làm “sổ đỏ”. Sau khi có “sổ đỏ” thì người mua có thêm quyền cao nhất là mua bán, cho, tặng, thừa kế.

Chữ ký giá 500 triệu đồng

Cuối cùng, Đ cho chúng tôi xem quyết định mua bán các căn hộ tái định cư có dấu đỏ của thành phố. Ở đây giá mỗi căn chỉ 6,8- 6,9 triệu đồng/m². Ngay bây giờ nếu muốn mua, chúng tôi phải nộp toàn bộ số tiền chênh lệch 8 triệu đồng/m². Tính trên diện tích 61- 81m²/căn hộ, chúng tôi phải nộp tất cả trên 500 triệu đồng. “Nếu muốn can thiệp sâu hơn, như ở một khoảng tầng nhất định, hướng nhất định, thì tiền phải cao hơn. Thêm mấy chục triệu đồng và người ta phải can thiệp với ban quản lý mới được”, Đ nói.

Sau khi nộp hơn 500 triệu đồng cho chủ đầu tư, chúng tôi sẽ nhận được 3 loại giấy tờ: Bản hợp đồng chuyển nhượng quyền mua nhà, Giấy đề nghị xác nhận chữ ký được xác nhận tại phường sở tại, Giấy nhận tiền. Tất cả đều viết tay và không có công chứng. Trong đó, thực ra chỉ có Giấy đề nghị xác nhận chữ ký tại phường sở tại là có giá trị pháp lý. Với giấy tờ này, người mua sẽ được phép thay mặt chủ cũ để bốc thăm căn hộ. Sau khi có quyết định phân nhà của thành phố mới có thể làm được uỷ quyền định đoạt. Sau đó, để có nhà, chúng tôi còn phải hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền cho Nhà nước theo giá gốc 6,8- 6,9 triệu đồng/m².

Lúc mới vào, giới thiệu khu nhà này sắp bốc thăm, chỉ cuối năm là sẽ giao nhà. Nhưng khi chúng tôi xác nhận lại thời điểm giao nhà thì Đ lại lấp lửng: “Anh không thể hứa là bao giờ giao nhà”(!?).

Rủi ro muôn mặt


Chúng tôi tìm đến khu B6 – B11 Nam Trung Yên thì gặp 3 người cũng đi mua suất tái định cư. Họ cho biết, cũng đang định mua suất tái định cư ở đây với giá 550 triệu đồng, trong đó 500 triệu đồng là tiền mua suất, 50 triệu đồng là tiền chọn căn, chọn hướng, 2 thanh niên dẫn họ đến tự nhận là người của ban quản lý.

Khi biết chúng tôi cũng có ý định mua, một người tên H cho số điện thoại và hẹn hôm sau đến xem nhà. Theo lời hẹn, chúng tôi đến và gặp họ ở bộ phận bảo vệ khu Nam Trung Yên. Người dân ở đây cũng xác nhận họ là người của ban quản lý. H dẫn chúng tôi đi xem phòng và giới thiệu tỉ mỉ cả kiến trúc toà nhà, còn mọi vấn đề thủ tục mua bán, trình tự không khác gì Đ.

Cuối cùng, chúng tôi tìm đến Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị Hà Nội, cơ quan quản lý quỹ nhà tái định cư của thành phố, thì được nhân viên ở đây trả lời: “Không can thiệp vào việc mua bán này, chỉ làm hồ sơ, thủ tục bán nhà cho người có tiêu chuẩn tái định cư”.

Nhưng khi biết chúng tôi đang có ý định mua suất tái định cư ở khu B6 - B11 Nam Trung Yên, một bảo vệ ở đây lắc đầu: “Vậy là anh chị bị lừa rồi. Khu đó chưa biết bao giờ mới bốc thăm. Nếu anh chị thích, tôi giới thiệu cho. Khối người, cả người ở ban quản lý đã mua ở đó, nay muốn bán cũng không được”.

Ông này nói thêm: “Giá bán ở đó cũng không thể tính theo diện tích mà chỉ có thể tính vo theo suất”. Chúng tôi để lại số điện thoại, mấy hôm sau ông ta gọi lại nói đã tìm mua được cho chúng tôi một suất của chủ gốc, giá chỉ 450 triệu đồng. Người mua phải nộp trước 400 triệu đồng, 50 triệu đồng giữ lại để làm giấy tờ.

Nhà nước đã phải bỏ ra không ít tiền để tạo ra mức giá rẻ cho các khu tái định cư này. Nhưng dường như những ưu đãi này đang không nhắm đối tượng nó phải hướng đến. Theo những người chuyên “săn đất”, tất cả chung cư tái định cư gần như 90% nằm trong tay nhà đầu tư. Người ta mua từ khi nhà mới có quyết định giải toả. Mua khi đó có thể chỉ chênh vài chục, một trăm triệu đồng. Còn bây giờ, chênh lệch rất lớn mà rủi ro thì vô vàn.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình