Top

Giữa năm 2008 sẽ có thiết kế khu trung tâm

Cập nhật 01/01/2008 10:00

Diễn ra trong hơn nửa cuối năm 2007, cuộc thi ý tưởng thiết kế khu trung tâm hiện hữu mở rộng TPHCM đang dần đến đích. Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM Nguyễn Trọng Hòa cho biết: Bảy đồ án dự thi, trong đó có những công ty nổi tiếng quốc tế như Nikken Sekkei (Nhật Bản), Edaw (Mỹ)...

Phóng viên: Khu trung tâm TPHCM, theo thiết kế của các đơn vị dự thi có những điểm nổi bật nào, thưa ông?





- Ông Nguyễn Trọng Hòa: Tuy khác nhau nhưng nổi bật nhất là ý tưởng tập trung phát triển khu vực dọc bờ Tây sông Sài Gòn cùng với chủ trương di dời các cảng Ba Son, Tân Cảng, Sài Gòn. Đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận lý tưởng để làm một không gian mở rất đẹp nhìn sang khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong đó, đường Tôn Đức Thắng (từ cảng Ba Son đến Khánh Hội) sẽ có đường và bãi đậu xe ngầm để dành phần đường phía trên đoạn từ khách sạn Majestic đến Công trường Mê Linh làm đường đi bộ.

Một điểm đáng chú ý khác là các đồ án đều thống nhất giữ lại Công viên 23-9 làm công viên cây xanh đô thị và sẽ xây dựng một công trình văn hóa nhỏ cho người dân TP. Ngoài ra, còn mở rộng trục từ sau Nhà hát TP đến cảng Ba Son, tương ứng với tuyến metro số 1 từ Bến Thành đến Suối Tiên mà TP đang triển khai.



Bờ tây sông Sài Gòn: Khu vực phía Nam (Khánh Hội)

Ảnh: Trích từ một đồ án dự thi


Khu vực dọc bờ Tây sông Sài Gòn sẽ ưu tiên phát triển loại hình gì?

- Đó sẽ là đất của các công trình dịch vụ mà ưu tiên số 1 là khách sạn cao cấp, do vị trí này rất đẹp và TP đang thiếu khách sạn cao cấp. Bên cạnh đó là các cao ốc văn phòng, công trình thương mại. Nguyên tắc là hạn chế tối đa phát triển công trình nhà ở, nếu có, chỉ là tái định cư tại chỗ cho người dân bị giải tỏa.

Theo các đơn vị dự thi thì những vấn đề chính mà khu trung tâm TP đang phải đối mặt là gì?

- Đó là sự mâu thuẫn giữa phát triển - bảo tồn và vấn đề giao thông. Về vấn đề thứ nhất, các đồ án đều cho rằng cần kiểm soát sự phát triển của khu trung tâm bằng cách hạn chế xây cao tầng, chỉ chọn một số điểm nhấn cao tầng thôi. Đồng thời, cân nhắc bảo tồn các công trình kiến trúc quan trọng và toàn bộ khu biệt thự quận 1 và quận 3.

Còn vấn đề giao thông, trong các đồ án đều cân nhắc hệ số đáp ứng của hạ tầng giao thông. Thật ra, dân số trong khu trung tâm không lớn nhưng người vãng lai rất đông, nhiều người dù không muốn vẫn phải đi ngang khu trung tâm để đến các nơi khác, gây quá tải cho hạ tầng giao thông. Do đó, giải pháp là mở những hướng giao thông không đi qua khu trung tâm, đồng thời tăng cường ngầm hóa. Thậm chí các đồ án còn đề cập đến ý tưởng về một TP ngầm.

Vậy khi nào khu trung tâm sẽ chính thức có thiết kế đô thị?

- Khoảng 10 ngày nữa kết quả cuộc thi sẽ được công bố. Sau đó, đơn vị thắng giải cùng TP thực hiện các bước tiếp theo. Dự kiến 6 tháng nữa khu trung tâm TP sẽ có thiết kế đô thị hoàn chỉnh.

Khu trung tâm hiện hữu mở rộng gồm một phần quận 1, một phần quận 3, một phần quận 4 và quận Bình Thạnh (dải bờ Tây sông Sài Gòn kéo dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận) với tổng diện tích 930 ha.

Quy mô dân số 270.000 người, các chức năng là: hành chính, văn hóa, tài chính, thương mại dịch vụ...



Theo Người Lao Động