Quyết định số 17/2008/QĐ-UBND (gọi tắt là QĐ 17) của UBND TPHCM vừa ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. Theo đó, việc bồi thường, hỗ trợ đền bù sẽ được áp dụng sát với giá thị trường. Báo giới có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Tài chính Đào Thị Hương Lan xung quanh vấn đề trên.
* QĐ 17 yêu cầu bồi thường theo mục đích sử dụng đất hiện tại. Xin bà cho biết cụ thể về vấn đề trên?
Về nguyên tắc người bị thu đất đang sử dụng vào mục đích nào (được pháp luật công nhận) sẽ được bồi thường theo loại đất được công nhận theo quy định của pháp luật và giá đất để tính bồi thường là giá đất tính theo loại đất được công nhận theo quy định của pháp luật đất đai. Tuy nhiên, trong thực tế trên địa bàn TP có nhiều trường hợp người dân chỉ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, nhưng người dân đã xây dựng nhà ở.
Do đó, để tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho người dân, TP đã quy định đối với trường hợp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (lúa, vườn, ao, màu…) nhưng thực tế đã tự chuyển mục đích sử dụng làm nhà ở từ trước ngày có quyết định thu hồi đất thì được xem xét hỗ trợ về đất ở tùy theo thời điểm sử dụng. Cụ thể: Trường hợp tự chuyển mục đích sử dụng làm nhà ở trước ngày 15-10-1993 thì được hỗ trợ về đất ở bằng 100% đơn giá với diện tích đất ở thực tế đang sử dụng nhưng không vượt quá hạn mức giao đất ở theo quy định.
Phần diện tích đất ở vượt hạn mức và phần diện tích đất vườn ao trên cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở (nếu có) thì được bồi thường, hỗ trợ về đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư; Trường hợp tự chuyển mục đích sử dụng làm nhà ở từ ngày 15-10-1993 đến trước ngày có quyết định thu hồi đất hoặc trước ngày 22-4-2002 thì được hỗ trợ về đất ở bằng 100% đơn giá, nhưng phải trừ đi tiền sử dụng đất phải nộp theo mức thu quy định với diện tích đất ở thực tế đang sử dụng nhưng không vượt quá hạn mức giao đất ở theo quy định.
Phần diện tích đất ở vượt hạn mức và phần diện tích đất vườn ao trên cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở (nếu có) thì được bồi thường theo loại nông nghiệp quy định tại phương án bồi thường được duyệt; Trường hợp tự chuyển mục đích sử dụng làm nhà ở từ ngày có quyết định thu hồi đất hoặc từ ngày 22 - 4 - 2002 thì người đang sử dụng đất ở (nếu có) chỉ được bồi thường theo loại đất nông nghiệp.
* QĐ 17 quy định quy định việc chậm bồi thường thì xác định lỗi ai người đó chịu. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?
Quy định tại QĐ 17 nêu rõ, trong trường hợp bồi thường chậm mà lỗi do cơ quan có trách nhiệm gây ra và giá đất tại thời điểm bồi thường cao hơn lúc có quyết định thu hồi đất thì tính theo giá ở thời điểm thu hồi đất. Nếu giá ở thời điểm bồi thường thấp hơn giá lúc có quyết định thu hồi đất thì tính theo giá tại thời điểm có quyết định thu hồi đất.
Trường hợp bồi thường chậm mà lỗi do người dân thì người dân phải chịu thiệt. Cụ thể, nếu giá đất ở thời điểm bồi thường thấp hơn giá thời điểm có quyết định thu hồi đất thì tính theo giá lúc bồi thường. Nếu giá đất ở thời điểm bồi thường cao hơn giá đất lúc có quyết định thu hồi thì tính theo giá ở thời điểm có quyết định thu hồi. Việc xác định lỗi trong trường hợp này sẽ do Hội đồng Bồi thường của dự án xác định đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định.
* Hiện nay tại TPHCM đã có bao nhiêu dự án được áp dụng đền bù theo giá thị trường? Kết quả của những dự án trên có nhanh hơn so với phương pháp đền bù cũ không?
Từ khi UBNDTP có Công văn số 8272 năm 2006 đến nay, trên địa bàn TP có rất nhiều dự án mà giá đất được xác định sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường (trong điều kiện bình thường); đa số các dự án được sự đồng thuận của người dân.
Có một số dự án sau khi công bố giá đất để tính bồi thường thì người dân có nguyện vọng được nhận tiền bồi thường trước khi phương án bồi thường được phê duyệt; đồng thời cũng đã có một số dự án hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Do đó, với cơ chế này thì tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ nhanh hơn so với cơ chế trước đây.
* Cảm ơn bà!