Trong 2 tuần qua, giá nhà đất trên thị trường nhà đất TPHCM tiếp tục tụt giảm. Theo các chuyên gia, sau một thời gian cầm cự thị trường BĐS đã chính thức bước vào giai đoạn chạy đua giảm giá.
Mặc dù giá đã giảm mạnh nhưng cho đến thời điểm hiện nay người mua vẫn chưa thấy.
Bão giảm giá
Khu vực trọng điểm phát triển đô thị phía đông TPHCM như quận 2, quận 9 là nơi đang phải trải qua cơn bão giảm giá nhà đất mạnh nhất trong tuần qua trên địa bàn TPHCM. Nhìn chung, giá nhà chào bán giá đã giảm từ 20 đến 30% so với thời điểm cực sốt - trước Tết Mậu Tý. Trong đó, giảm mạnh nhất là đất dự án.
Chẳng hạn, đất dự án Khu đô thị mới An Phú - An Khánh, đất biệt thự 8 x 20 hoặc 10 x 20, khu C hiện nay được chào bán phổ biến từ 28 đến 30 triệu đồng/m2. Trên các mạng mua bán, không ít lô đất thuộc khu này được chào bán với giá 26 triệu đồng/m2, còn thòng thêm câu "giá có thể thương lượng".
Theo đánh giá của các Công ty môi giới mua bán nhà đất, đây là mức giá thấp nhất trong vòng 3 tháng qua, giá nhà đất khu vực này đã giảm bình quân là 30% so với thời điểm trước Tết (giá đất ở khu vực này phổ biến ở mức 40 triệu đồng/m2). Các dự án hạng trung trên địa bàn phường Phú Hữu, Phước Long B, quận 9 như Kiến Á, Bách Khoa... được chào bán giá trong khoảng 8 đến 12 triệu đồng/m2...
So với thời điểm trước Tết, giá đất khu vực này đã mất khoảng 40% (trước Tết khoảng 20 triệu đồng/m2). Khu vực Nam Sài Gòn, giá đất cũng đang ở trong cùng một tình trạng. Giá giảm mạnh nhất thuộc về các dự án hạng trung.
Chẳng hạn, đất dự án Khu dân cư Thái Sơn được chào bán trong khoảng 11 đến 13 triệu đồng/m2, giá này đã giảm gần một nửa so với thời điểm trước Tết. Trước Tết, giá đất dự án Thái Sơn đã ghi nhận được nhiều trường hợp giao dịch ở mức 24 triệu đồng/m2.
Đối với những dự án cao cấp như Him Lam, Tân An Huy, Trung Sơn giá đất cũng giảm ít nhất 20 -25%. Đơn cử, một lô đất trong dự án Him Lam Kênh Tẻ, mặt tiền đường 35m được chào bán giá 60 triệu đồng/m2. Thời điểm trước Tết những lô đất mặt tiền 35m được giao dịch ở mức 85-90 triệu đồng/m2.
Mặc dù, giá đã giảm mạnh nhưng ghi nhận tại một số trung tâm giao dịch lớn như VietfiveStars trong khoảng 10 ngày nay, đất dự án cao cấp đã không có bất cứ giao dịch nào.
Giải thích hiện tượng giá đất trong vòng nửa tháng qua liên tục tụt giảm, các chuyên gia cho rằng các nhà đầu cơ vốn găm giữ một lượng đất lớn đã hết khả năng cầm cự chờ thị trường hồi phục. Thay vào đó, họ chọn giải pháp ồ ạt tháo hàng gỡ vốn trước khi quá muộn.
Giá đất còn giảm đến đâu?
Cũng theo các chuyên gia, thị trường BĐS cũng như TTCK cần thông tin hỗ trợ để đứng vững trong hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng, đối với thị trường BĐS trong thời gian qua chỉ toàn có thông tin bất lợi.
Những ảnh hưởng của đợt siết chặt tín dụng trong tháng 2.2008 chưa kịp qua đi đã có thêm thông tin NHNN rút trên 52.000 tỉ đồng từ hệ thống NHTM Nhà nước, khiến cho lãi suất trên thị trường cho vay liên NH liên tục tăng trong những ngày qua đã làm cho các nhà đầu cơ thực sự bàng hoàng, phải buông xuôi, mất khả năng cầm cự chờ thị trường hồi phục. Điều đó giải thích vì sao, chỉ trong vòng 2 tuần, giá nhà đất trên thị trường liên tục lao dốc.
Về viễn cảnh của thị trường nhà đất trong thời gian tới, theo các chuyên gia vẫn chưa có gì sáng sủa. Trong hoàn cảnh, cả nước đang lao đao với lạm phát và việc kiểm soát lạm phát trở thành mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ thì lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn sẽ duy trì ở một mức cao là một môi trường không thuận lợi cho thị trường BĐS. Vì vậy, sự hỗ trợ của NH cho thị trường BĐS là không đáng kể.
Cũng theo các chuyên gia, thị trường BĐS hiện nay đang trong tình trạng "vỡ bong bóng" chứ không phải xì hơi. Giá nhà đất sẽ còn giảm đến đâu cho đến nay vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Trong khi giá nhà đất lao dốc thì sức cầu vẫn chưa xuất hiện. Hàng loạt các trung tâm môi giới mua bán BĐS lớn của TP như Phúc Đức Vietfivestars... số liệu giao dịch gần như bằng không.