Các kiến trúc sư hàng đầu Việt Nam nói gì về việc đặt ga tàu điện ngầm cạnh hồ Gươm – nơi được xem là trái tim của Thủ đô?
Liên quan tới việc đặt nhà ga C9 (tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) phía trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội trên phố Đinh Tiên Hoàng, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với các kiến trúc sư, chuyên gia xây dựng nổi tiếng tại Việt Nam.
Bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Long – Phó Chủ tịch Hội Khoa học kĩ thuật cầu đường Việt Nam nói: “Theo tôi, không nhất thiết phải chọn một điểm cần phải hết sức giữ gìn như hồ Gươm để đặt ga tàu điện ngầm.
Ở tất cả các quốc gia trên thế giới đều có những vùng đất người ta phải bảo vệ nghiêm ngặt. Tại Việt Nam, hồ Gươm được xem là trái tim của thủ đô, vùng đất được bảo vệ nghiêm ngặt đặc biệt. Do vậy, những thứ không thật cần thiết thì không nên xây dựng bởi chúng sẽ làm xáo trộn quy hoạch tổng thể của những vùng đất tương tự như thế.
Một tuyến đường sắt đô thị ở thành phố Munich (Đức).
|
Theo tôi, không nhất thiết phải chọn một điểm cần phải hết sức giữ gìn như hồ Gươm để đặt ga tàu điện ngầm. Tại Việt Nam, hồ Gươm được xem là trái tim của thủ đô, vùng đất được bảo vệ nghiêm ngặt đặc biệt. Ga tàu điện ngầm phá nát trái tim Thủ đô? Ông Nguyễn Ngọc Long – Phó Chủ tịch Hội Khoa học kĩ thuật cầu đường Việt Nam |
Nói về những khó khăn khi xây ga tàu điện ngầm ở khu vực này, ông Nguyễn Ngọc Long phân tích, khó khăn đầu tiên chúng ta gặp phải khi xây dựng ga tàu điện ngầm đó là xử lý đất nền. Thứ hai, phải làm thế nào để có thể đào bới được ở dưới lòng đất rồi vận chuyển các thứ ra ngoài mà không ảnh hưởng tới các sinh hoạt khác. Thứ ba, trong lúc làm không ảnh hưởng gì tới vận hành, lưu thông trên mặt đất. Tóm lại, làm trên mặt đất khó một thì làm dưới lòng đất khó 10.
“Tôi cho rằng không nên đặt ga tàu ở đó ngay cả khi đất rắn, đất tốt. Về chuyên môn, người ta có thể đưa ra rất nhiều giải pháp để khẳng định có thể ngăn chặn được những ảnh hưởng như từ nền đất yếu… Đó không phải là việc đáng bàn. Vấn đề chỉ là đắt tiền hay rẻ tiền thôi.
Tôi không thích tưởng tượng xem nếu ga tàu vẫn được xây dựng ở đó thì sẽ như thế nào. Không cần thiết phải tưởng tượng như thế. Chúng tôi là những nhà chuyên môn, chúng tôi không thích dùng trí tưởng tượng vào những việc vô ích.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội gồm những lãnh đạo có trình độ rất cao về cả quản lý lẫn chuyên môn. Họ sẽ lắng nghe ý kiến của người dân lẫn các nhà chuyên môn trước khi đi đến một quyết định. Tôi tin tưởng các vị lãnh đạo sẽ không đưa ra quyết định như thế.
Người ta phải đưa ga ra nơi nào đó xa hơn như ngoài khu vực Nhà hát lớn hay đâu đó ở phố Quang Trung, Bà Triệu…chứ”, ông Long nhấn mạnh.
Còn PGS. TS Nguyễn Quang Đạo cho rằng, nền đất mềm hay không vẫn có thể xử lý được, chỉ có điều tốn tiền hơn thôi, nhưng chúng ta phải xem lại các giải pháp để ga không gây ảnh hưởng tới ai cũng như cảnh quan quanh hồ Gươm.
Ở các quốc gia hùng mạnh trên thế giới, thành phố nào có từ 1 – 2 triệu dân trở lên, người ta thường xây dựng hệ thống metro. Hệ thống xe điện ngầm rất hữu hiệu trong việc giảm ùn tắc giao thông đô thị đặc biệt ở các thành phố đông dân như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, việc đặt ga C9 ở đâu vẫn là điều đang gây tranh cãi nảy lửa trong giới chuyên môn.