Hiện nay tất cả các giải pháp tháo gỡ tồn kho địa ốc đều tập trung vào cú hích nhà ở xã hội. Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế nhà ở xã hội khó gánh nổi đống nhà tồn kho bị ế!
Nhà tồn kho có diện tích lớn
Theo Nghị quyết 02 của Thủ tướng Chính phủ, một trong những giải pháp tháo gỡ hàng tồn kho bất động sản (BĐS) là cho phép chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, diện căn hộ được giải quyết có diện tích nhỏ hơn 70m², giá bán dưới 15 triệu đồng/m². Tuy nhiên, thống kê từ thực tế sẽ không giải quyết được nhiều loại căn hộ này.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ ngày 18-12-2012, UBND TPHCM nêu: Hàng tồn kho ước có 14.490 căn hộ chung cư, trên 10.000 căn từ 60m² - 90m²/căn. Sở Xây dựng TPHCM cũng vừa ghi nhận nhà tồn kho hầu hết có diện tích lớn.
Chung cư Kenton, Nhà Bè tạm dừng sau khi xây xong phần thô. |
Chung cư 242/16 Bà Hom, quận 6 TPHCM dành cho giáo viên, CBCNV thu nhập thấp. Ảnh: Thanh Tâm
|
Vì sao không ưu đãi lãi suất vay để dân mua nhà ở xã hội ?
Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố dự thảo thông tư hướng dẫn cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, nhiều ý kiến tỏ ra thất vọng khi dự thảo này không quy định cho vay lãi suất ưu đãi 6%/năm với trường hợp mua nhà ở xã hội. Mục tiêu của Nghị quyết 02 là tạo cơ chế hỗ trợ người vay để kích thích thị trường bất động sản, nhất là phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Vậy tại sao dự thảo thông tư hướng dẫn của NHNN lại có vẻ “ngược chiều” như vậy?
Theo dự thảo của NHNN, gói hỗ trợ cho vay nhà ở (với mức lãi suất 6%/năm trong 3 năm đầu) được dành cho khách hàng là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đối tượng có thu nhập thấp vay “để thuê, thuê mua nhà ở xã hội”; thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m², giá bán dưới 15 triệu đồng/m²…
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết, theo quy định tại Nghị định 71 của Chính phủ, các loại hình nhà ở xã hội bao gồm cả nhà ở để thuê, thuê mua và nhà để bán. Như vậy, dự thảo của NHNN về cho vay có hỗ trợ đã bỏ sót đối tượng là người vay để mua nhà ở xã hội. Nhiều người dân khi được hỏi ý kiến cũng cho rằng, việc dự thảo quy định cho người vay mua nhà ở thương mại được vay vốn ưu đãi, còn người có nhu cầu mua nhà ở xã hội lại không được vay ưu đãi, là bất hợp lý.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN), cho biết dự thảo trên nhằm hướng dẫn và cụ thể hóa Nghị quyết 02 của Chính phủ về cơ chế hỗ trợ cho vay nhà ở. Tuy nhiên, Nghị quyết 02 chỉ quy định đối tượng được hỗ trợ là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đối tượng có thu nhập thấp vay “để thuê, thuê mua nhà ở xã hội”; thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m², giá bán dưới 15 triệu đồng/m². “Vì thế, dự thảo thông tư của NHNN không thể đưa thêm đối tượng được hỗ trợ là người mua nhà ở xã hội, bởi như vậy là trái với Nghị quyết 02 của Chính phủ” - ông Mạnh nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo SGGP, Luật Nhà ở năm 2005 chỉ quy định nhà ở xã hội dành để “thuê, thuê mua” chứ không quy định về “mua nhà ở xã hội”. Cụ thể, theo khoản 1, Điều 45 của Luật Nhà ở: “Nhà nước có cơ chế, chính sách phát triển quỹ nhà ở xã hội để các đối tượng quy định tại Điều 53 và Điều 54 của luật này thuê, thuê mua”. Điều 53 và Điều 54 quy định, đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các đối tượng khác theo quy định của Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, chính vì luật quy định như vậy nên khi ban hành Nghị quyết 02, Chính phủ chỉ đề cập việc hỗ trợ các đối tượng thuê, thuê mua nhà ở xã hội chứ không đề cập tới trường hợp mua nhà ở xã hội: “Tuy nhiên, tôi không hiểu tại sao luật quy định như vậy nhưng trong Nghị định 71 lại quy định về mua nhà ở xã hội. Đây là cơ sở pháp lý để Bộ Xây dựng kiến nghị đưa vào chương trình hỗ trợ đối tượng mua nhà ở xã hội. Nhưng luật và nghị quyết của Chính phủ đã quy định nên chúng tôi không thể làm khác”.
Bình luận về vấn đề này, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nói cần phải phân biệt nhà ở xã hội và nhà giá thấp: “Nhà ở xã hội chỉ cho thuê và thuê mua với giá thấp. Nhà để bán không gọi là nhà ở xã hội mà gọi là nhà ở thương mại”.
Với quan điểm đó, đối với dự thảo của NHNN, ông Liêm tỏ ra băn khoăn: “Tôi không hiểu tại sao lại phải cho vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội? Nếu cần thì chỉ trợ cấp một phần tiền thuê thôi, chẳng hạn đối với sinh viên hay công nhân. Theo tôi, nên đổi cho vay thành trợ cấp một phần tiền thuê, thuê mua nhà ở xã hội”.
Dự kiến, trong tuần này thông tư hướng dẫn về cho vay hỗ trợ nhà ở sẽ được NHNN ban hành. Tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Mạnh cho biết, nếu Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, NHNN sẽ điều chỉnh lại quy định trên để chủ trương của Chính phủ thật sự phát huy hiệu quả khi triển khai. “Trường hợp sau này luật hoặc nghị quyết của Chính phủ cho phép mua nhà ở xã hội, NHNN sẵn sàng sửa đổi thông tư, chỉ cần thêm một dòng thôi là có thể đưa người mua nhà ở xã hội vào đối tượng được hỗ trợ”.